Lại thêm một mùa rớt giá
Trong vụ hành tím năm nay, thị xã Vĩnh Châu có trên 5 nghìn ha đất trồng hành tím. Hiện nông dân Vĩnh Châu đang tồn đọng hơn 50 nghìn tấn hành tím do giá xuống thấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thương lái thu mua chỉ từ 8 – 10 nghìn đồng/kg tùy loại. Với giá này, người trồng hành lỗ nặng. Bởi để sản xuất 1kg hành, chi phí đã khoảng 12 nghìn đồng.
Thông tin về nguyên nhân giá hành lao dốc, ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Hiện hành tím của Thái Lan và Trung Quốc tràn ngập thị trường TP. Hồ Chí Minh với giá rẻ không tưởng chỉ 3 nghìn đồng/kg. Trong khi hành tím Vĩnh Châu phải bán với giá từ 12 nghìn đồng/kg người nông dân mới có lãi. Vì thế, các doanh nghiệp không mua hành Vĩnh Châu.
Thêm vào đó, người nông dân thường trồng hành theo kiểu “dự báo thời tiết”. Khi giá hành xuống dốc, họ trồng ít nhưng có năm giá hành leo thang, bà con lại ồ ạt đổ xô trồng để rơi vào cảnh rớt giá.
Ngoài hành trồng trên đất ruộng, rất nhiều nông dân Vĩnh Châu trồng trên đất giồng cát ven biển. Nhưng loại hành trồng trên đất cát không dự trữ được lâu như hành trồng trên đất ruộng, mất màu rất nhanh và củ nhỏ hơn củ trên đất ruộng, nên thường bị thương lái ép giá, mua chỉ 4 – 5 nghìn đồng/kg.
Được biết, các hộ nông dân trồng hành tím chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Hành tím rớt giá khiến cuộc sống người nông dân càng gặp thêm khó khăn.
Ông Thạch Nữa, ngụ xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) cho biết, gia đình ông trồng được 1,5 ha hành tím, đã thu hoạch xong gần 1 tháng. Tuy nhiên, do giá hành xuống quá thấp nên gia đình ông phải trữ lại khoảng 60 tấn để chờ giá lên. Với giá bán tại ruộng, trung bình mỗi công đất trồng hành, ông lỗ gần 10 triệu đồng.
Không riêng gia đình ông Thạch Nữa, nhiều nông dân trồng hành tím tại Vĩnh Châu đang phải chịu cảnh lao đao vì giá hành xuống thấp kỷ lục. Nhiều gia đình không có vốn để lấp vụ hành mới, không có kho trữ hành, hoặc phải thanh toán tiền phân thuốc nên đành phải ngậm ngùi “bán tháo” hành với giá thấp.
Anh Lâm Đết, ngụ ở thị xã Vĩnh Châu trồng được 4 công hành tím, thu hoạch 5 tấn. Anh buồn bã nói: "Mấy năm trước giá có giảm cũng còn bán được, nhưng năm nay hành bỏ trắng ngoài ruộng cũng không ai mua. Vụ hành năm nay, nhà tôi lỗ trên 40 triệu đồng, giờ không có tiền trả đại lý phân bón khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”.
Điệp khúc giải cứu
Để giải quyết số hành tồn đọng hiện nay, UBND thị xã Vĩnh Châu đã có văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế huyện rà soát số lượng của những hộ trồng hành để có hướng xử lý. Với hộ nghèo và cận nghèo, không có khả năng cất trữ hành sẽ vận động cán bộ, công chức, viên chức trong thị xã mua ủng hộ bà con mỗi người 10kg, với giá 15 nghìn đồng/kg. Với những hộ có điều kiện cất trữ, thì địa phương sẽ khuyến khích bà con trữ lại, chờ khi nào hành lên giá mới bán.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, đã kêu gọi vận động ủng hộ tiêu thụ hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh đã chung tay ủng hộ, giúp bà con bớt nỗi lo đầu ra cho hành tím.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, đã có trên 300 tấn hành tím được Phòng Kinh tế thị xã đã và đang phối hợp với các xã, phường thu mua trực tiếp của người dân. Trong đó, ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người Khmer, góp phần giúp bà con giảm bớt thiệt hại và có nguồn vốn tái sản xuất cho mùa vụ mới.
Việc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ hành ở thời điểm hiện tại, chỉ là giải pháp tạm thời giúp người nông dân vượt qua khó khăn trước mắt. Theo kỹ sư Trần Văn Sang, người có nhiều năm gắn bó với hành tím Vĩnh Châu, về lâu dài, người dân cần sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt về tính mùa vụ, đa dạng kỹ thuật canh tác, trồng hành bằng phương thức hữu cơ, trồng trong nhà kín để đảm bảo chất lượng, tăng khoáng chất trong củ hành đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, cần vận động các hộ dân còn ngoài Hợp tác xã tham gia vào các Tổ hợp tác, để tăng cường liên kết chuỗi từ khâu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức cần tăng cường hỗ trợ nông liên kết với các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là ở những thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, để đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con...