Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Thạch Thất (Hà Nội): Chương trình OCOP tạo cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp- nông thôn

Mai Hương- CĐ - 17:08, 03/08/2021

Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Thạch Thất đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề để nông nghiệp huyện Thạch Thất từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng thêm thu nhập ổn định cho người dân.


Một số sản phẩm đạt chất lượng OCOP của huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Một số sản phẩm đạt chất lượng OCOP của huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Để thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) có hiệu quả, cuối năm 2019, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành các kế hoạch, về triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn đến năm 2021. Theo đó, huyện thành lập Hội đồng và ban hành quy chế đánh giá, xếp hạng sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP.

Với tiêu chí, mỗi xã phải phấn đấu lựa chọn phát triển ít nhất một sản phẩm, ưu tiên sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương như: Chè lam, chè kho, bưởi các loại, thanh long, rau các loại, gạo, trứng,… và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng tại các làng nghề. Trên cơ sở đó, các xã tập trung xây dựng sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí đã ban hành. Sau khi các xã đã hoàn thiện khâu đăng ký sản phẩm OCOP, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các đơn vị. 

Theo đó, các nội dung như: kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất, tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm... đã được triển khai bài bản, đầy đủ và khoa học.

Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự tích cực trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của Nhân dân, đến nay trên địa bàn huyện đã có 122 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp thành phố đánh giá, xếp hạng từ 3- 4 sao. Trong đó có 104 sản phẩm đạt 4 sao; 18 sản phẩm đạt 3 sao.

Với những kết quả đạt được, Thạch Thất, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 300 sản phẩm được công nhận từ 3-5 sao. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Nguyễn Kim Loan cho biết, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản, huyện Thạch Thất đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bằng nhiều hoạt động, chính sách thiết thực. Nhờ đó, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, đã nhận được các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, như: Sản phẩm mặt hàng gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức ở thôn 4, xã Canh Nậu; sản phẩm các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Ngải ở thôn 4, xã Hương Ngải; sản phẩm mặt hàng tủ chè gỗ trắc, tượng phật di lặc gỗ trắc, sạp gỗ trắc… của hộ kinh doanh Phí Đình Tuấn ở xã Chàng Sơn...

Một số sản phẩm rau củ quả của HTX nông nghiệp Hương Ngải ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đạt 3 và 4 sao.
Một số sản phẩm rau củ quả của HTX nông nghiệp Hương Ngải ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao.

Là một trong những chủ thể tham gia sản phẩm OCOP của huyện, ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải, thôn 4, xã Hương Ngải cho biết, năm 2019, HTX đăng ký với huyện, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa. Đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 01 sản phẩm đạt 4 sao do Hội đồng cấp thành phố đánh giá, công nhận. Tất cả các sản phẩm của HTX đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Sau khi sản phẩm rau lá, củ, quả của HTX được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, số lượng khách hàng đến với chúng tôi ngày một nhiều. Thị trường tiêu thụ theo chuỗi ở các siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn các quận, huyện của thành phố cũng theo đó mà tăng lên. Sản lượng sản xuất ra cũng cao hơn. 

"Nếu như năm 2019, chúng tôi chỉ sản xuất và tiêu thụ được 5 -7 tạ/1 ngày các loại rau, củ quả, thì đến năm 2020, chúng tôi đã sản xuất, tiêu thụ từ 7 - 9 tạ/ngày với giá giao động từ 9.000- 20.000 đồng/kg. Doanh thu của HTX đạt từ 18 - 20 tỷ đồng/năm. Năm 2021, nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi dự sẽ kiến sản xuất tăng trưởng 10- 15%”, ông Ban phấn khởi nói.

Thực tế cho thấy, việc các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Để tiếp tục nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới, thời gian tới Thạch Thất sẽ tăng cường những giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách; hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng; khuyến khích các hộ dân chuyển đổi canh tác sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả theo vùng đã quy hoạch… Trên cơ sở đó, huyện sẽ từng bước định hướng sản xuất, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho các sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết: Hiện nay, Thạch Thất là một trong những huyện có sản phẩm được công nhận OCOP nhiều nhất thành phố. Để tạo thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất nói riêng và các sản phẩm OCOP của toàn thành phố nói chung, thành phố Hà Nội đã khai trương 14 điểm để bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, sẽ có thêm 11 diểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Thành phố chưa tổ chức. Dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tổ chức thành công 30 – 40 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP theo kế hoạch đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.