Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mưu sinh trên núi thiêng Yên Tử

Mỹ Dung - 09:12, 12/03/2024

Từ tháng giêng đến tháng 3 hằng năm là mùa măng trúc mọc, cũng là lúc bà con người Dao sinh sống quanh chân núi Yên Tử, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) gian nan trèo đèo, vượt thác hái măng rừng. Ngoài gánh mưu sinh thì những người dân nơi đây cũng kịp thời phát hiện báo cho lực lượng chức năng ngăn chặn nhiều vụ xâm hại hệ động, thực vật góp phần quan trọng để rừng thiêng Yên Tử ngày càng xanh.

Ngay từ 1 giờ sáng, những người Dao chân núi Yên Tử đã trèo núi cao để hái măng kịp đem về bán cho du khách đi hành hương
Ngay từ 1 giờ sáng, những người Dao ở chân núi Yên Tử đã trèo núi cao để hái măng kịp đem về bán cho du khách đi hành hương

Gian nan gánh mưu sinh

Núi Yên Tử - không gian linh thiêng ngự giữa thiên nhiên hùng vĩ, được bao bọc bởi bạt ngàn rừng trúc, nên người xưa đặt tên là Trúc Lâm Yên Tử. Đây đã và đang là địa điểm thu hút hàng chục vạn du khách, phật tử về hành hương, lễ phật. Và cứ đúng hẹn lại lên, từ tháng giêng đến tháng 3 hằng năm là mùa măng trúc mọc bạt ngàn, cũng là lúc những người Dao sinh sống quanh chân núi Yên Tử lên rừng mưu sinh.

Theo chia sẻ của nhiều người dân nơi đây, thông thường khoảng 1 giờ sáng mọi người đã dậy và leo bộ lên những cánh rừng trúc để hái măng. Đi từ sáng sớm như vậy để kịp có sản phẩm về bán cho du khách hành hương mang về làm quà. Ở khu vực thấp thì không có nhiều măng, nên phải lên những dãy núi cao, qua bao vực sâu, thác ghềnh mới tới được địa điểm có nhiều măng để lấy và phải đối diện với rắn, rết, côn trùng độc…

Chị Trương Thị Lê, dân tộc Dao, một người dân của xã Thượng Yên Công chia sẻ, nhà chị có ba con nhỏ, vợ làm nông, chồng làm công nhân khai thác than. Do không có việc làm, chủ yếu dựa vào thu nhập của chồng, nên cứ vào mùa măng rừng, cũng chính là lễ hội Xuân Yên Tử là cơ hội rất lớn trong năm để chị Lê kiếm thêm thu nhập.

“Dù rất vất vả, nhưng mỗi tháng vào mùa măng, nếu đi rừng đều, em cũng kiếm được gần chục triệu đồng. Đây là khoản thu nhập rất lớn đối với nhà em", chị Lê kể.

Cứ vào mùa măng rừng cũng chính là lễ hội Xuân Yên Tử giúp cho nhiều người dân khu vực kiếm thêm thu nhập
Cứ vào mùa măng rừng cũng chính là lễ hội Xuân Yên Tử giúp cho nhiều người dân sinh sống quanh khu vực kiếm thêm thu nhập

Khi thu hoạch măng về, người dân đem bán rải rác cho du khách đi hành hương với các mức giá khác nhau. Chị Đặng Thị Hải, người dân tộc Dao ở thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, chia sẻ: "Giá măng khu vực chùa Đồng là 70 nghìn đồng/kg loại chưa bóc vỏ. Còn loại đã bóc vỏ thì giá 100 nghìn đồng/kg. Càng đi xuống phía chân núi thì giá măng lại càng cao hơn. Nếu may mắn, mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 350-400 nghìn đồng từ việc bán măng rừng.”.

Góp phần bảo vệ non thiêng Yên Tử

Theo số liệu của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử tổng hợp từ các nhà động, thực vật khảo sát, nghiên cứu, rừng quốc gia Yên Tử có 5 ngành thực vật với 830 loài, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm (Lim xanh, táu mật, lát hoa, la hán tùng, kim giao...); Hệ động vật cũng đa dạng và phong phú với 151 loài động vật ở cạn có xương sống, trong đó có một số loài được xếp vào Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ (Voọc mũi hếch, sóc bay...) có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch.

Đặc biệt, rừng quốc gia Yên Tử còn có một số loại cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Năm 2016, rừng quốc gia Yên Tử đã công bố 144 cây đủ tiêu chí cây di sản quốc gia như: Xích tùng, thông nhựa khổng lồ, mai vàng Yên Tử, đại cổ thụ... đây là những loại cây không chỉ nổi bật với sự hấp dẫn đặc biệt về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh, mà còn nổi bật với tuổi đời từ 300-700 năm tuổi.

Ông Trương Văn Đôn, thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công, người có nhiều năm mưu sinh từ việc khai thác lâm sản phụ trong rừng Yên Tử nhớ lại, mấy chục năm trước, tình trạng khai thác than trái phép, đốt phá rừng để làm nương; săn bắn thú rừng trái phép vẫn diễn ra ở Yên Tử. Từ khi cơ quan chức năng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng thiêng cho di tích, bà con trong xã lên rừng chỉ hái măng, lấy cây thuốc thôi. Hễ ai có hành động xâm hại đều bị tố giác ngay.

Có lần đi rừng, thấy một nhóm người "nhăm nhe" mấy cây gỗ quý ở khu vực sườn đông của núi Yên Tử, những người đi lấy măng bảo nhau mấy ngày liền cứ quanh quẩn lấy thuốc ở quanh đó để cảnh giới. Thấy dân cảnh giác, nhóm người lạ đành bỏ đi.

"Chỉ tính riêng việc lấy măng rừng đã làm cho cuộc sống bao gia đình bớt khó khăn hơn. Rừng cho chúng tôi cuộc sống thì chúng tôi phải trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng", ông Đôn chia sẻ thêm.

Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử được biết, với lực lượng chuyên trách ít nhưng rừng Yên Tử lại rộng mênh mông, tiếp giáp với nhiều điểm dân cư. Chính vì thế, nếu không có sự hỗ trợ của người dân, nhất là những người thường xuyên sống dựa vào khai thác lâm sản phụ thì nguy cơ rừng bị xâm hại sẽ thường trực hiện hữu...

"Bằng sự hỗ trợ của người dân đã giúp cho lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ xâm hại hệ động, thực vật của Yên Tử. Bà con đang góp phần quan trọng để rừng thiêng Yên Tử ngày càng xanh", ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.