Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ những gốc tre

T.Nhân-H.Trường - 06:34, 30/12/2023

Không may bị tai nạn lao động, mất một cánh tay, nhưng không vì thế mà chán nản, buôn xuôi - ông Phan Văn Chánh (60 tuổi, thôn Hanh Tây, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn miệt mài lao động, mưu sinh với đủ thứ nghề. Cho đến một ngày, nhìn những gốc tre già bị lũ lụt cuốn vùi ở những thửa ruộng, ông đã nảy ra ý tưởng biến những gốc tre với những hình thù kỳ quái này thành bàn ghế. Trời không phụ lòng người từ những gốc tre đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định và làm giàu.

Ông Chánh đang “thổi hồn"vào những gốc tre để tạo nên những sản phẩm độc đáo
Ông Chánh đang “thổi hồn" vào những gốc tre để tạo nên những sản phẩm độc đáo

Cơ duyên đến với nghề làm bàn ghế gốc tre của ông Chánh bắt đầu từ năm 2006. Sau một trận lụt lớn, nhiều gốc tre già bị lũ lụt cuốn trôi và vùi chôn dưới ruộng. Nhìn hình thù kỳ quái và đẹp mắt, ông Chánh nảy ra ý định biến những gốc tre này thành bàn ghế. Sau nhiều ngày mò mẫm, ông Chánh đã làm được một chiếc ghế đẹp từ những gốc tre này. Nhìn tác phẩm đầu tay, ông thích thú và tìm tòi để làm những sản phẩm khác như bàn ghế, xích đu, nôi em bé… cứ thế hình thành. Từ đó đến nay, ông Chánh vẫn miệt mài tạo nên những sản phẩm độc đáo từ tre, bán ra thị trường với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi bộ sản phẩm.

Ông Chánh kể: Thấy tôi suốt ngày cặm cụi với gốc tre, nhiều người bảo tôi gàn dở, nhưng tôi bỏ ngoài tai vì tôi đam mê lắm, cứ đục đẽo lại cưa cắt, rồi lắp ghép những gốc tre lại. Phải mất gần hai tháng, tôi mới hoàn thành một bộ bàn ghế bằng gốc tre, mọi người xem và khen đẹp khiến tôi rất phấn khởi. Bộ bàn ghế đầu tay này nhiều người trả gần 50 triệu đồng nhưng tôi không bán, mà để ở phòng khách làm kỷ niệm, vừa nói, ông Chánh vừa chỉ tay vào bộ bàn ghế đặt trang trọng trong phòng khách.

Để có nguyên liệu khởi nghiệp, ông Chánh lang thang khắp nơi để tìm gốc tre, sau một thời gian, sân nhà ông chất đầy gốc tre, đủ mọi kích cỡ. Ông sắm máy móc để phục vụ cho công việc của mình. Sản phẩm của ông làm ra cũng đa dạng hơn, từ bàn ghế, tủ thờ, bàn thờ ông địa, nôi, bàn trang điểm... Khoảng một năm sau đó, nhiều người đã biết đến các sản phẩm của ông và đặt hàng liên tục. Có thời điểm, ông Chánh phải thuê thêm người phụ để làm cho kịp giao cho khách.

Đến thăm nhà ông Chánh vào dịp cuối năm, nhìn thấy đâu đâu cũng toàn là gốc tre, chỉ tay vào bộ bàn ghế tre rất lớn đã hoàn thiện, ông Chánh khoe: Đây là bộ bàn ghế với những gốc tre “khủng” vừa được tôi làm xong, và đã được một đại gia Sài Gòn đặt với giá gần 80 triệu đồng. Độ “khủng” của bộ bàn ghế này nằm ở những gốc tre lớn bằng bắp chân, tôi phải thu thập, lựa chọn và để dành nhiều năm mới đủ một bộ bàn ghế độc lạ như thế này.

Dù tuổi đã cao và chỉ có một cánh tay nhưng ông Chánh rất thuần thục trong các công đoạn chế tác sản phẩm từ gốc tre
Dù tuổi đã cao và chỉ có một cánh tay nhưng ông Chánh rất thuần thục trong các công đoạn chế tác sản phẩm từ gốc tre

Dù tuổi đã cao và chỉ có một cánh tay, nhưng mỗi khi bắt tay vào công việc, ông rất nhanh nhạy, không thua kém những thanh niên lành lặn. Đối với ông Chánh, làm nghề không chỉ để kiếm thu nhập mà đó là niềm đam mê. Bởi thế, mỗi khi nhắc đến ông “Năm Chánh” thì không ai là không biết với biệt tài chế tác gốc tre. Từ ngày ông cặm cụi với những gốc tre, đến nay đã gần 20 năm trời, nhìn qua dáng thế gốc là ông hình dung ngay đến một sản phẩm độc đáo.

Vừa chỉ cho chúng tôi những gốc tre già chất đống vừa kiếm được, ông Chánh chia sẻ: Công đoạn khó nhất và lâu nhất để làm được sản phẩm đẹp là phải tìm được những gốc tre già, chắc, và phải lâu năm. Kiếm được tre rồi, công việc còn lại thì đối với tôi khá đơn giản vì hình dáng tác phẩm đã nằm trong đầu rồi.

 “Để có được những gốc tre ưng ý, có thời điểm tôi phải bỏ tiền ra thuê người đi tìm kiếm khắp nơi. Sau khi kiếm được gốc đẹp, phải đem ngâm bùn thật lâu, rồi đem phơi cho khô để cho chắc, khỏi mối mọt rồi mới bắt đầu làm. Để hoàn thành một bộ bàn ghế gồm bốn ghế lớn, hai ghế đôn và một bàn phải mất thời gian khoảng hai tháng. Mỗi bộ bán ra khoảng 20-50 triệu đồng tuỳ lớn nhỏ, có bộ “độc” làm từ những gốc tre “khủng” thì giá từ 50-80 triệu đồng”, ông Chánh cho biết thêm.

Bộ bàn ghế được làm từ những gốc tre “khủng” được khách trả gần 80 triệu
Bộ bàn ghế được làm từ những gốc tre “khủng” được khách trả gần 80 triệu

Cũng theo ông Chánh, người lành lặn làm công việc này cũng đã khó, nhưng ông bị mất một cách tay nên việc đục đẽo càng khó hơn, phải nhờ đôi chân rất nhiều. Tuy nhiên, làm nhiều thành quen, nên các công đoạn để chế tác gốc tre đối với ông cũng đơn giản hơn. Nhờ làm sản phẩm bằng gốc tre, gia đình ông có thu nhập ổn định, từ chỗ thiếu thốn, nay đã có của ăn, của để.

Với những gì đã làm được, có thể nói ông Chánh đã khởi nghiệp thành công nhờ ý tưởng độc đáo của mình. Ông Chánh cũng không dấu nghề mà đã dạy cho nhiều người. Nhưng họ chỉ làm được một thời gian thì bỏ nghề vì vất vả, và sản phẩm làm ra không đạt độ tinh sảo nên không có khách hàng. 

“Muốn theo nghề này phải thực sự đam mê thì mới có động lực để làm và phải có mắt thẩm mỹ để làm nên những sản phẩm độc đáo, riêng biệt thì mới trụ được. Nếu biết làm, tôi tin rằng những gốc tre xù xì, tưởng chừng bỏ đi này sẽ mang lại thu nhập cao cho người thợ”, ông Chánh trải lòng.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.