Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Múa Keng Loóng - Sự sáng tạo tài tình của người Thái

Văn Hoa - 11:23, 24/03/2023

Đối với đồng bào dân tộc Thái, Keng Loóng là món ăn tinh thần không thể thiếu, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn mỗi người. Hiện nay, tại nhiều bản làng người Thái, Keng Loóng (chày cối giã gạo) được người dân sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Đội văn nghệ bản Nhót chụp ảnh lưu niệm cùng Keng Loóng.
Đội văn nghệ bản Nhót chụp ảnh lưu niệm cùng Keng Loóng

Có dịp cùng cán bộ Phòng Dân tộc huyện Mai Châu về với bản Nhót, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi may mắn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc do Đội văn nghệ bản Nhót biểu diễn. Khi có khách du lịch đến tham quan, đội văn nghệ bật nhạc, nhảy sạp và biểu diễn múa Keng Loóng rất sôi động.

Bà Hà Thị Ích (80 tuổi), thành viên Đội văn nghệ bản Nhót cho biết, Loóng theo tiếng Thái dịch ra tiếng phổ thông là máng, cối dài. Loóng được làm từ loại gỗ tốt, có tiếng vang, thanh. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm Loóng to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau.

Keng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái Mai Châu. Với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hằng ngày. Trong khi giã gạo, chị em thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy.

Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ. Keng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà, nhật thực... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để tăng thêm không khí vui tươi, náo nức. Nhiều chàng trai, cô gái nhờ Keng Loóng mà đã thành vợ, thành chồng.

Hiện nay, tại các bản làng người Thái làm du lịch cộng đồng, đồng bào thường sử dụng Keng Loóng để tạo ra những âm thanh vui nhộn thay cho lời chào du khách.

Chị Hoàng Mỹ Lan, hướng dẫn viên tiếng Đức bày tỏ, khi đưa du khách đến Mai Châu và một số điểm du lịch của đồng bào dân tộc Thái, du khách rất hào hứng được thưởng thức điệu Keng Loóng và các tiết mục văn nghệ truyền thống. Nhiều du khách còn tỏ ra kinh ngạc với khả năng sáng tạo đặc biệt của đồng bào. Bởi chỉ từ những cây gậy và một gốc gỗ to, người Thái có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động, thu hút người xem.

Có thể thấy, việc bảo tồn, phát huy giá trị Keng Loóng gắn với phát triển du lịch đã góp phần làm phong phú và lan tỏa xa hơn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Keng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà, nhật thực... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để tăng thêm không khí vui tươi, náo nức.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Chương trình MTQG 1719 tiếp sức xóa nhà tạm trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Chương trình MTQG 1719 tiếp sức xóa nhà tạm trong vùng đồng bào DTTS

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) sẽ tiếp sức tỉnh Đồng Nai giải quyết một số nhu cầu bức thiết trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh; trong đó có nội dung hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.