Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Có một bảo tàng người Thái ở “miền Trà Lân”

An Yên - CTV - 12:19, 19/12/2022

Những vật dụng lao động sản xuất, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày… của người Thái đã được ông nâng niu, gìn giữ, sưu tầm từ hàng chục năm qua. Để rồi, văn hóa của cộng đồng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ hiện lên sinh động, gần gũi, trở thành “báu vật” truyền đời ở “miền Trà Lân”, ngay chính trong căn nhà ông đang ở. Ông là Vi Văn Phúc – Người có uy tín ở khối 2, thị trấn Con Cuông (Con Cuông, Nghệ An).

Những cuốn sách chữ Thái cổ có giá trị được ông Phúc sưu tầm, gìn giữ
Những cuốn sách chữ Thái cổ có giá trị được ông Phúc sưu tầm, gìn giữ

Hơn 30 năm miệt mài với văn hóa Thái

Trong căn nhà sàn có kiến trúc đẹp nằm bên Quốc lộ 7A, ngay dưới tầng trệt, ông bày la liệt, nào là cày, bừa, cuốc, xẻng; rồi dao, nỏ, cung, tên; và cối xay gạo, xay đậu, khung cửi. Hay cũng có khi là những chiếc ping, lủng, sày người dân dùng để xúc cá tôm dưới sông, suối.

“Đây là nơi tôi đã dành cả cuộc đời, tâm huyết để sưu tầm, bảo tồn những tinh hoa văn hóa Thái đấy”, ông Phúc mở lời với chúng tôi như vậy.

Vừa chỉ cho tôi nghe rõ tên từng hiện vật, ông Phúc bắt đầu chia sẻ cơ duyên: Tôi là người Thái ở mảnh đất Mường Quạ, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An). Những lần về quê, hay thậm chí khi đã chuyển nhà ra thị trấn ở để tiện công tác, tôi thấy văn hóa của người Thái đang bị mai một. Bà con ở nhiều bản làng không biết chữ Thái, nhiều vật dụng hàng ngày của người Thái đang dần biến mất. Điều đó đã khiến tôi đứng ngồi không yên.

Trang phục của dân tộc Thái được ông Phúc nâng niu trưng bày trong tủ kính
Trang phục của dân tộc Thái được ông Phúc nâng niu trưng bày trong tủ kính

Trăn trở với điều ấy và qua những chuyến công tác ở cơ sở, được tiếp xúc với già làng, trưởng bản đã nảy sinh trong ông ý nghĩ phải lưu giữ lại những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc mình.

Ban đầu, ông về quê mua nhà sàn mang ra thị trấn dựng để ở, như là một cách đầu tiên trong hành trình gìn giữ văn hóa Thái. Tiếp đó, ông bắt đầu đi sưu tầm những hiện vật, đồ vật xưa cũ của dân tộc mình.

Từng là Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An, rồi về làm Chủ tịch huyện nhà… nên ông được đi nhiều đến những địa bàn xa, nghèo khó của các huyện miền Tây xứ Nghệ. Chính vì những chuyến đi ấy mà cái sở thích, cái thú và cũng là trách nhiệm – sưu tầm vật dụng người Thái trở nên thuận lợi hơn.

Nhưng, việc sưu tầm của ông không hề đơn giản bởi những vật dụng liên quan đến sản xuất, sinh hoạt của người Thái xưa hầu như đã không còn. Thậm chí, nhiều người dù “bỏ không” nhưng khi ông đánh tiếng xin, hỏi mua thì cứ tưởng là người buôn đồ cổ, và không bán.

Hơn 30 năm miệt mài với duyên nợ, trong căn nhà sàn bằng gỗ của ông Vi Văn Phúc đã có bộ sưu tập rất đáng nể với hơn 800 vật dụng đủ loại của người Thái từ những dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay… Và ngôi nhà sàn ông mua từ quê ra năm nào đã trở thành “bảo tàng” cho ông trưng bày, lưu giữ.

Ông Phúc kể về kỷ vật quay sợi của mẹ lúc sinh thời với niềm rưng rưng xúc động
Ông Phúc kể về kỷ vật quay sợi của mẹ lúc sinh thời với niềm rưng rưng xúc động

Trong “bảo tàng” vô giá ấy của ông Phúc, là những hiện vật của cộng đồng người Thái được ông cất công sưu tầm ở các xứ Mường Choọng, Mường Ham (huyện Quỳ Hợp), Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), vùng Mường Quạ (huyện Con Cuông), Mường Chiêng Ngam (huyện Quỳ Châu)…

Chúng tôi để ý và nhận thấy, các đồ vật trong “bảo tàng” được ông sắp xếp, chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm văn hoá tâm linh (các cuốn sách cổ); nhóm liên quan đến ẩm thực; nhóm công cụ sản xuất; nhóm âm thanh nhạc cụ; nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm hoạt động sản xuất thủ công; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục...

Ông Phúc cho biết: Với tôi, vật thiêng liêng nhất, nhiều kỷ niệm nhất là chiếc khung cửi, chiếc quay sợi mà ngày xưa mẹ tôi vẫn dùng kéo sợi. Cứ nhìn thấy những món đồ ấy là tôi lại nhớ đến mẹ mình; như bộ trang phục người Thái cổ cũng vậy. Tôi đã trang trọng đặt riêng trong tủ kính để bảo quản.

Giữ cho muôn đời sau

“Ông Vi Văn Phúc nay đã hơn 70 tuổi, là Người có uy tín ở khối 2 thị trấn Con Cuông. Ông là tấm gương sáng nói lời hay, làm việc tốt, rất được bà con trong cộng đồng tôn trọng. Trong gia đình, dòng họ, ông ấy là đầu tàu gương mẫu trong gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc”, ông Lương Văn Tùng- Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông bảo vậy.

Bộ sưu tầm vật dụng sản xuất nông nghiệp của người Thái trong “bảo tàng”
Bộ sưu tầm vật dụng sản xuất nông nghiệp của người Thái trong “bảo tàng”

Nhưng chúng tôi lại nghĩ thêm rằng, những hiện vật được ông Phúc sưu tầm, gìn giữ còn được ví như những “sứ giả” đã, đang và sẽ mang những thông điệp lịch sử, văn hoá giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau. Đây là kho tài sản tinh thần đã lưu giữ được một nét văn hoá rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Đó chính là điều mà cộng đồng người Thái nơi đây tôn trọng, cảm phục, mến yêu dành cho ông.

Rất nhiều người khi nghỉ hưu thường hay nghỉ ngơi? Chúng tôi đã hỏi vậy và cụ Phúc hào hứng: Cộng đồng dân tộc Thái có truyền thống văn hoá rất đặc trưng nhưng qua thời gian, những giá trị văn hóa ấy đã và đang ngày càng bị mai một. Tôi là người con của dân tộc Thái, không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh những giá trị cổ xưa của dân tộc ngày càng bị mai một, những hiện vật bị thất truyền. Mình có thể làm được thì tại sao không làm, như thế sẽ có lỗi với tổ tiên, với cội nguồn dân tộc.

Ngôi nhà sàn của ông Phúc được ví như một “bảo tàng” thu nhỏ của người Thái
Ngôi nhà sàn của ông Phúc được ví như một “bảo tàng” thu nhỏ của người Thái

Vậy là, mục đích chính ấy của ông không nằm ngoài nguyện vọng, mong muốn giáo dục truyền thống cho con cháu, trước hết là giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm hướng cho con cháu về cội nguồn, về với lịch sử của dân tộc mình. Sau nữa là xây dựng nền nếp, gia phong, hạnh phúc gia đình, hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng dân tộc Thái để góp phần đưa những giá trị văn hoá vào xây dựng đời sống cộng đồng.

Bao năm qua, căn nhà sàn của ông luôn là điểm đến ý nghĩa mà cháu con trong dòng họ, cũng như cộng đồng người Thái nơi đây tìm về sinh hoạt, học chữ Thái, giúp nhau cách thức làm ăn. Không như nhiều gia đình người Thái khác, dù sống xen kẽ cùng các dân tộc khác tại thị trấn nhưng gia đình ông Phúc vẫn luôn chú trọng bảo tồn ngôn ngữ Thái, bảo tồn những tập tục trong cưới hỏi, lễ làm vía, lễ tết, lễ buộc chỉ cổ tay...

Chia sẻ cùng chúng tôi, giọng ông Phúc đầy thiết tha: Cuộc sống đổi thay, những vật dụng hiện đại đã thay thế những đồ vật xưa cũ. Và những cái mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Tôi mong rằng từ việc làm của mình, con cháu đời sau nhìn vào bộ sưu tập có thể biết được thế nào là đời sống, văn hóa của cha ông, của cộng đồng người Thái.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.