Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Một nhiệm kỳ với quyết tâm “đồng sức, đồng lòng, đồng tâm, đồng ý” ở Con Cuông

Thanh Hải - 19:57, 23/06/2024

Từ ý chí thống nhất “đồng sức, đồng lòng, đồng tâm, đồng ý” xây dựng chính quyền, xây dựng bản làng ngày một no ấm, hạnh phúc. Qua 5 năm (2019-2024), thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Con Cuông lần thứ III, 2019, phát huy tinh thần đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và đồng bào các DTTS trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của Con Cuông đã từng bước phát triển. Trong đó, nổi bật là tỷ lệ giảm nghèo ở vùng đất khó khăn đặc biệt này mỗi năm đạt hơn 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn là gần 7%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đã đạt hơn 41 triệu đồng…

Bức tranh tươi mới ở xã giáp biên Môn Sơn (Ảnh: Thành Cường)
Bức tranh tươi mới ở xã giáp biên Môn Sơn (Ảnh: Thành Cường)

Biến “nguy” thành “cơ”

 Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, Con Cuông – vùng đất được coi là trung tâm của miền Trà Lân xưa kia, có 12/13 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Lĩnh vực kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp; nhiều vùng còn nặng tự cung tự cấp. Ngoài ra, sông Lam chảy qua địa bàn huyện, gần như chia đôi địa giới hành chính, nhưng hạ tầng cầu, đường chưa đồng bộ dẫn tới kinh tế - xã hội ở các vùng khó kết nối, phát triển.

Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến huyện vẫn có 9 xã khu vực III và 1 bản đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn gần 17% (trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 73,27%)...

 Làm sao để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân bằng những sinh kế bền vững; làm sao để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa; làm sao để huy động tối đa nguồn lực cấp trên gắn với thu hút đầu tư hiệu quả… Những câu hỏi ấy, vừa là trăn trở, là vấn đề luôn được cả hệ thống chính trị huyện Con Cuông đặc biệt quan tâm tìm giải pháp.

Ông Lô Văn Thao, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng là người con của đồng bào Thái. Sinh ra, lớn lên rồi làm cán bộ tại chính quê hương mình nên ông Thao tường tận hơn ai hết “đất và người Con Cuông”. Ông Thao chia sẻ: Chỉ có đồng cam, cộng khổ thì mới mong vượt qua khó khăn, thử thách để thành công. Đó cũng là lý do, mục đích mà nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ III, năm 2019, huyện Con Cuông đã đưa ra và thống nhất “đồng sức, đồng lòng, đồng tâm, đồng ý”, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền để vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ để xây dựng bản làng Con Cuông ngày một ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào DTTS Con Cuông ngày càng có cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách hỗ trợ sinh kế hiệu quả. Ảnh: Bá Hậu
Đồng bào DTTS ở Con Cuông ngày càng có cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách hỗ trợ sinh kế hiệu quả. Ảnh: Bá Hậu

Minh chứng rõ nhất là việc đưa người Đan Lai ra khỏi rừng theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An, đề án của Chính phủ, chỉ giữ lại mấy chục hộ dân ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, vừa để bảo tồn nét văn hóa, vừa phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, được xem là nhiệm vụ đầy khó khăn. Tuy nhiên, hôm nay từ quyết tâm “đồng sức, đồng lòng, đồng tâm, đồng ý” này mà từ đập Pha Lài ở trung tâm xã Môn Sơn, đã hình thành tuor du lịch mạo hiểm vượt sông Giăng vào với tộc người Đan Lai.

Rồi từ đó xuất hiện những con người dám nghĩ, dám làm đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Mở ra cơ hội phát triển cây dược liệu bản địa, khai thác tối đa lợi thế vùng miền núi để chuyên canh loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc thù khó khăn của vùng đất lắm núi, nhiều khe…cũng đang được người dân biến thành lợi thế để phát triển du lịch trải nghiệm. Từ hang Thẳm Nàng Màn, rồi khe nước Mọc, khe Kèm… đã nức tiếng du khách gần xa mỗi khi đến miền Trà Lân. Từ những bản làng người Thái ở khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng… thuần túy, đậm nét cổ xưa lại được vận dụng để hình thành nên những điểm du lịch cộng đồng mà du khách, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài ưa thích.

Nhiều du khách nước ngoài đã về bản làng Con Cuông để trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ảnh: Thành Cường
Nhiều du khách nước ngoài đã về các bản làng Con Cuông để trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ảnh: Thành Cường

Chúng tôi cũng nghĩ mãi về những vùng đất khó, xa xôi ở Con Cuông… được người dân phục hóa để hình thành nên trang trại cam nức tiếng mà đến hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines phải đặt hàng làm thức uống trên mỗi chuyến bay. Chưa kể, những vùng đất “sơn cùng thủy tận” như Bình Chuẩn, Thạch Ngàn… đã được người dân chuyển đổi để trồng mét, keo… Chả thế mà diện tích rừng ở Con Cuông đứng đầu cả tỉnh Nghệ An, với độ che phủ đến gần 85%.

Thêm những con số "biết nói"

Con Cuông hôm nay đang trở mình. Cuộc sống mới đang hiện hữu trên mỗi nếp nhà, trong từng bản làng; bộ mặt nông thôn miền núi nhiều đổi thay. Trong dòng chảy phát triển ấy, là sự đầu tư, hỗ trợ mang tính đòn bẩy của các chủ trương, chính sách, đề án từ Trung ương, địa phương; mà trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 đã rót hàng trăm tỷ đồng cho vùng đất với những dự án, nội dung hỗ trợ, đầu tư “sát sườn”.

Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, anh Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện đã nói nhiều đến những dấu ấn, kết quả của một nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu các  DTTS của huyện. Ông Tùng chia sẻ: Huyện đã thực hiện rất tốt chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc để mỗi người dân đều thấy được vai trò, vị trí, trách nhiệm bản thân trong xây dựng và phát triển quê hương, bản làng.

Những nương chè mang lại no ấm ở Con Cuông. Ảnh: Đức Anh
Những nương chè mang lại no ấm ở Con Cuông. Ảnh: Đức Anh

Dẫn chứng từ lời ông Tùng khiến chúng tôi rất vui. Từ sự đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án; sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội huyện Con Cuông thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đến nay đạt gần 7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 41 triệu đồng.

Các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, đã thực sự là nguồn lực quan trọng để cuộc sống người dân miền núi Con Cuông “lột xác” toàn diện. Đến nay, toàn huyện đã có đường giao thông nhựa hóa, bê tông hóa với quy mô cấp IV-V đến trung tâm tất cả các xã đạt 100%. Hệ thống điện được quan tâm cải tạo, nâng cấp nên đã có đến 97,5% hộ dân vùng đồng bào DTTS&MN được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa.

 Nhiều công trình xây dựng cơ bản như cầu Thanh Nam bắc qua sông Lam, đường giao thông từ quốc lộ 7A đi khe Kèm, đường Đôn Phục đi Cam Lâm, đường Lục Dạ đi Môn Sơn… Ở thời điểm hiện tại, Con Cuông có 3 xã đạt chuẩn NTM, 31 thôn, bản/107 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo nhiệm kỳ đại hội DTTS từ 2019-2024, giảm mỗi năm hơn 3%, và hiện chỉ còn 16,88%.

Đặc biệt, trong những năm qua, từ các nguồn kêu gọi, vận động, huyện Con Cuông đã xây dựng mới 129 nhà đại đoàn kết, 120 nhà Bộ Công an… tặng các đối tượng hộ nghèo, chính sách. 

Những kết quả của nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Con Cuông lần thứ III, sẽ là nền tảng, động lực để Con Cuông hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.