Xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn có gần 80% người dân sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Song cơ sở hạ tầng về giao thông đi lại vô cùng khó khăn, nên ảnh hưởng đến việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân.
Còn nhớ, những năm 2020 trở về trước, để giải quyết khó khăn cấp thiết này, đồng thời cũng là mục tiêu Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thư III huyện Bôn Đôn đặt ra, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Quyết định 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (CT135), ưu tiên cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo đó, nguồn lực từ CT135 đã góp phần giải quyết bước đầu về hệ thống đường xá đi lại của Nhân dân, trong đó nhiều tuyến đường nối từ khu dân cư ra đến khu sản xuất, hệ thống giao thông nội đồng cứng hóa tạo điều kiện thuận cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương.
Điển hình như tuyến đường dài hơn 1 cây số dẫn vào buôn Tul được đầu tư, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn CT35 đã giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của hàng trăm hộ dân thuận lợi hơn. Ông Y Đưng Knul, người dân buôn Tul cho biết: Trước đây, con đường vào buôn là đường đất, nhỏ hẹp, nắng thì bụi, mưa lại lầy lội, rất khó khăn cho việc đi lại của người dân. Từ khi được Nhà nước đầu tư đường bê tông, người dân không chỉ đi lại thuận lợi mà việc chở hàng hóa cũng dễ dàng hơn.
Trong quá trình triển khai các công trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, xã Ea Wen luôn đề cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tất cả các thôn, buôn đều có Tổ giám sát. Vì vậy, các công trình đều phát huy hiệu quả.
Theo báo cáo, thực hiện CT135 giai đoạn 2019 - 2020, huyện Buôn Đôn được phân bổ 20,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 18,7 tỷ, vốn huy động từ Nhân dân hơn 1,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư sửa chữa và làm mới 44 công trình đường giao thông; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hơn 500 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS thuộc xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc.
Tiếp nối thành quả của CT135, giai đoạn 2022 - 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Buôn Đôn được phân bổ, tổng kinh phí là 167 tỷ đồng để thực hiện các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ học nghề…
Tính đến ngày 31/12/2023, huyện đã giải ngân hơn 37 tỷ đồng, trong đó nhựa hóa hơn 6.600 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hơn 2.000 km kênh mương, bê tông hóa hơn 1.000m2 sân trường học.
Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III, các cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở, các chính sách được triển khai đồng bộ, sát với thực tế, mang lại hiệu quả cao. Bằng nguồn vốn của Nhà nước, tài trợ của nước ngoài và sự đóng góp của Nhân dân, giai đoạn 2019 - 2024, huyện Buôn Đôn đã xây dựng 157 công trình. Trong đó, 82 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 35 công trình trường học. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng các buôn làng trên địa bàn huyện Buôn Đôn khởi sắc, đời sống đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt.
Tính đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường đô thị đạt 57,3%; nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 86,1%; nhựa hóa, bê tông hóa đường cấp xã, liên xã đạt 98,2%; đường liên thôn, buôn đạt 55%, đường nội thôn, buôn đạt 67,5%. Kết cấu hạ tầng phát triển nhanh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống đồng bào các DTTS, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Ông Y Si Thắt Ksơr - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Các chương trình, chính sách dân tộc được huyện thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt là các công trình, huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc gửi thông báo, hướng dẫn đến các xã trước khi triển khai để thông tin rộng rãi, minh bạch về đối tượng thụ hưởng, kế hoạch, quyết toán kinh phí cho người dân biết.
"Việc đề xuất đối tượng, địa bàn thụ hưởng, các phần việc triển khai đều được các xã họp bàn, Nhân dân đồng tình, thống nhất cao mới được huyện phê duyệt bố trí vốn. Trong quá trình thực hiện, Phòng Dân tộc và các phòng, ban liên quan còn kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc", ông Y Si Thắt Ksơr - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn chia sẻ thêm.