Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mở hướng thoát nghèo cho bản có 100% hộ nghèo

Quỳnh Trâm - 20:08, 02/07/2023

Trước mùa mưa bão năm nay, đồng bào Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) sẽ không còn phải nơm nớp lo sợ nữa. Bà con háo hức di dời chuyển đến khu tái định cư do Nhà nước đầu tư, cùng nhau xây dựng lại nhà cửa và bắt đầu cuộc sống mới.

Cán bộ Biên phòng cùng người dân giúp gia đình anh Giàng A Trống dựng nhà sàn tại khu tái định cư.
Cán bộ Biên phòng cùng người dân giúp gia đình anh Giàng A Trống dựng nhà sàn tại khu tái định cư

Xây dựng khu tái định cư

Tháng 6, chúng tôi đến thăm bản Ón, xã Tam Chung (huyện Mường Lát). Cái nắng ở huyện vùng biên như đổ lửa, nhưng cũng may, nhìn những ngọn núi cao phủ màu xanh ngút ngàn xoa dịu phần nào cái nóng bức này.

Bản Ón có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. 100% hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Phần lớn các hộ dân dựng nhà bên những sườn núi cheo leo, nên luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao vào mùa mưa lũ.

Trước thực tế này, năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đầu tư dự án: Khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại bản Ón, xã Tam Chung, với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng, trên diện tích hơn 3 ha. Mục tiêu giúp người dân đồng bào dân tộc Mông di dời xuống những vị trí thuận lợi, để ổn định cuộc sống. 

Khu tái định cư mới được đầu tư quy mô, đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt tập trung… Mỗi hộ dân được cấp 150 m2 đất ở, hỗ trợ tiền dựng nhà và phát triển kinh tế. Theo đó, những tháng qua, tại khu tái định cư, không khí lao động trong bà con rất háo hức và khẩn trương. Mỗi người một công việc, được cán bộ chiến sĩ Biên phòng chung tay, đàn ông thì tham gia dựng nhà sàn, phụ nữ thì dọn dẹp, nấu ăn. Trẻ em nô nức, vui đùa chạy quanh những căn nhà mới đã được dựng xong kiên cố. 

Gia đình anh Giàng A Chìa là một trong những hộ thuộc diện di dời phấn khởi cho biết: “Mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Suốt đêm không ngủ, phải thức canh để còn chạy lũ. Nhưng năm nay, thì chúng tôi an tâm rồi, bà con ai cũng mừng vì sẽ được đến nơi ở mới an toàn, kiên cố hơn. Giao thông cũng thuận tiện, các cháu đi học lại thuận lợi, muốn đi ra xã, ra huyện cũng nhanh chóng chứ không như trước đây”.

Về nơi ở mới để ổn định và thoát nghèo

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giàng A Trống cho hay, phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc Mông thường thích ở trên núi cao, hoặc những nơi biệt lập. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, việc giao thương với bên ngoài thường rất khó khăn. Cả bản có 113 hộ dân, trong đó có 110 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền đã rà soát, lên phương án di dời 42 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở tập trung. Bà con vô cùng phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước, háo hức di dời về khu tái định cư để ổn định cuộc sống.

Khu tái định cư bản Ón được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng
Khu tái định cư bản Ón được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng

Theo Thiếu tá Lò Văn Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung (cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung được tăng cường về xã) cho hay, những hộ người Mông ở bản Ón di cư từ các tỉnh phía Bắc vào những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Trước đây, đường sá đi lại rất gian truân, đồng bào không biết chữ, tiếng Kinh không nói được, nên cán bộ Biên phòng phải thường xuyên vận động Nhân dân tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Ngoài ra, lực lượng cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ địa phương bám bản, vận động Nhân dân từ bỏ những hủ tục, không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, cai nghiện ma túy... cũng rất vất vả. Nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay những hủ tục đã dần được xóa bỏ, tình trạng buôn bán vận chuyển ma túy dần được kiểm soát, đẩy lùi; những người nghiện ma túy được đi cai nghiện tập trung.

Thiếu tá Lò Văn Hiền cho biết thêm, ở bản Ón, diện tích đất canh tác rất ít, chủ yếu là nương rẫy, nên bà con chăn nuôi thêm trâu, bò, dê… tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, được cán bộ Biên phòng hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cuộc sống bà con dần được nâng lên, không còn tình trạng đói ăn, thiếu mặc. Nhưng để tìm ra hướng thoát nghèo bền vững, thì thực sự còn rất nan giải.

Bản Ón có 7,4 km đường biên giới giáp với huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào và giáp với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững ổn định đường biên, mốc giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Việc xây dựng khu tái định cư bản Ón, giúp người dân ổn định chỗ ở, tạo điều kiện để hệ thống chính trị quản lý an ninh trật tự tại địa phương. Góp phần làm người dân thêm tin tưởng vào chính sách thiết thực của Nhà nước, từ đó phát huy thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.