Mạch nguồn bất tận
Một chiều cuối năm, chúng tôi đến tổ dân phố Hạ Ngoài (xưa kia là làng Hạ Ngoài), mới sẩm tối nhưng đội chèo ở đây đã tập trung đông đủ để trang điểm, chuẩn bị trang phục chỉn chu cho buổi biểu diễn chèo ở gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Nguyên.
Chèo Hạ Ngoài được xếp vào “chiếu trên” của Bắc Giang. Tuy ở cấp làng, nhưng đội chèo có đủ “ban bệ”: Đội trưởng, đạo diễn, nhạc công và hàng chục diễn viên quần chúng. Những vở diễn làm nên tên tuổi của gánh chèo Hạ Ngoài một thời như: “Quan Âm Thị Kính”, “Hoàng Trừu kén vợ”, “Tấm Cám”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Tấm Cám”, “Khúc hát Dương Xuân”, “Tống Trân - Cúc Hoa”... cùng hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ đã được kế truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bằng lòng nhiệt tình, say mê và năng khiếu bẩm sinh, những nghệ sĩ “chân đất” Hạ Ngoài đã tự tin bước lên trước ánh đèn sân khấu để say sưa với những điệu chèo. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Nguyên, 80 tuổi, “đạo diễn” đội chèo cho biết: “Khi tôi sinh ra, làng Hạ đã có nhiều người hát chèo. Vào những đêm trông trăng, những buổi đi cấy, đi gặt, câu chèo chẳng mấy khi ngớt trên đồng. Thời kỳ đỉnh cao nhất của chèo Hạ Ngoài là những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội chèo đã có 25 lần đoạt giải Nhất tại các liên hoan văn nghệ tuyên truyền phục vụ cách mạng”. Hình ảnh trai gái Hạ Ngoài lấy tiếng hát át tiếng bom, trên các chiến hào, ụ pháo như tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Thành tích nổi bật mà đội giành được là hàng chục lá cờ nhất và nhì toàn đoàn tại các hội diễn cấp tỉnh, huyện. Đặc biệt nhất là những tình cảm tốt đẹp, sự yêu mến mà Nhân dân, cán bộ chiến sĩ khắp vùng dành cho đội chèo làng Hạ.
Vào năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đội chèo làng Hạ vinh dự khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng sau vở diễn ấn tượng tại Hội diễn Quân khu III (tổ chức tại Hải Dương). Bởi thế, cuộc sống dù vất vả đến mấy nhưng hễ ngơi tay cuốc, tay cày là những nông dân Dương Văn Thi, Nguyễn Hữu Chấn, Nguyễn Thị Nhiều, Nguyễn Thị Dương… lại sẵn sàng hóa thân thành những nhân vật cổ tích bước lên sân khấu phục vụ khán giả.
Gìn giữ nét đẹp quê hương
Bác Dương Văn Thi, Chủ nhiệm CLB chèo Hạ Ngoài cho biết: “Người dân Hạ Ngoài từ người già đến trẻ nhỏ đều mê hát chèo. Những câu chèo tha thiết theo người dân đi khắp các nẻo đường, hết ra đồng với hạt thóc, củ khoai, lại lên phố với các cuộc thi, hội diễn. Chèo có trong lời ru của mẹ, của bà, có cả trong những cánh cò chập chờn thân thương và những đêm hội xuân náo nức”.
Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại vội vàng, gấp gáp, những người dân ở Hạ Ngoài vẫn nâng niu, gìn giữ chèo như vốn quý của làng. Lớp trẻ có người mới ngoài ba mươi tuổi, nhiều gia đình trong thôn có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo. Cứ như vậy, “tre già măng mọc”, các thế hệ trao truyền nhau gìn giữ môn nghệ thuật độc đáo ấy như một vốn quý của quê hương.
Không những dựng lại các vở diễn, tích chèo cổ, đội chèo Hạ Ngoài còn tự “tự biên, tự diễn” nhiều tiểu phẩm hay để phục vụ công chúng. Yêu chèo đến mức, dù chẳng có “bổng lộc”, thù lao, thậm chí phải bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục nhưng họ vẫn say sưa ca hát suốt nhiều năm qua. Đơn giản, đó là niềm vui, đam mê và lòng nhiệt huyết của những người muốn giữ lại nét đẹp quê hương.
Bao đời qua, dân Hạ Ngoài được "tắm táp" trong môi trường nghệ thuật. Những con người của ruộng đồng ấy vừa đi cấy, đi cày, nhưng hễ khỏa tay cho hết bùn là khoác lên mình manh áo đẹp hơn mọi ngày, để ca hát cho vơi đi mệt nhọc ngày mùa. Lời chèo thắm thiết như một mạch nguồn bất tận, ngấm sâu vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây.
Tàn canh hát chèo Hạ Ngoài, chúng tôi ra về khi cơn mưa cuối năm đã nặng hạt, đường thưa vắng bước chân người. Đâu đó trong tôi lại nhớ về câu thơ cổ: “Chẳng thèm ăn chả ăn nem/Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.