Người dân vào cuộc
Với xu thế ngày nay, nhiều du khách lựa chọn hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tránh sự ồn ào, ngột ngạt của vùng đông đúc dân cư, tấp nập xe cộ của vùng đô thị. Những nơi khách du lịch tìm đến là vùng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành, con người hiền hòa, thân thiện, mến khách. Các bản làng vùng cao Lào Cai chính là nơi lý tưởng mà du khách đã và đang lựa chọn.
Thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà là nơi đồng bào dân tộc Tày sinh sống tập trung. Những năm qua, nhiều hộ đồng bào nơi đây đã khai thác dịch vụ Homestay, mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Để thu hút đông đảo du khách đến với thôn Na Lo nói riêng, Bắc Hà nói chung, người Tày ở Na Lo đã được ngành Văn hóa chọn điểm hỗ trợ, giúp đỡ khôi phục văn hóa truyền thống, trong đó có ẩm thực.
Theo đó, những người giàu kinh nghiệm được chọn để trình diễn, hướng dẫn người chưa biết về các món ăn dân gian của dân tộc mình, sau đó nhân rộng trong cộng đồng nhằm giới thiệu cho du khách về văn hóa ẩm thực của người Tày, giúp họ có cái nhìn bao quát hơn khi đến trải nghiệm, khám phá bản làng của người Tày ở Bắc Hà. Những món ăn đặc trưng như cơm lam, xôi màu, bánh chưng đen, bánh dày… cho hương vị thơm ngon, lạ mắt cùng với những điệu xòe mời gọi và gắn kết cộng đồng, là những sản phẩm ấn tượng cho du khách khi đến với bản làng người Tày nơi đây.
“Chúng tôi vận động bà con cùng nhau đoàn kết, giữ gìn bản sắc. Thôn chúng tôi là thôn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nét văn hóa với những điệu xòe, ẩm thực, nghề truyền thống như làm cốm. Vì vậy, để phát triển được du lịch thì môi trường phải bảo đảm, cảnh quan sạch đẹp, bà còn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường… từ đó khách đến khen ngợi và đến ngày càng đông”, anh Vàng Văn Tân, Trưởng thôn Na Lo cho biết.
Chính quyền tạo nền tảng
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: Lào Cai là tỉnh đa dân tộc, do vậy văn hóa phi vật thể rất đa dạng và phong phú. Từ những lợi thế sẵn có, những năm qua, ngành Văn hóa ở Lào Cai đã có những chương trình phối hợp với các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là vùng giàu tiềm năng sẵn có để phát triền du lịch. Đặc biệt, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc.
Một trong những chương trình mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian gần đây, đó là “biến di sản thành tài sản”. Các địa phương đã khảo sát và lập danh sách, đầu tư phát triển các đặc sản thành sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đã lựa chọn danh sách 11 cây, con đặc sản thực hiện mục tiêu “Mỗi dân tộc, mỗi vùng có 1 đặc sản mang dấu ấn văn hóa tộc người”. Ví dụ như: Rượu San Lùng, gạo nếp hoa vàng ở huyện Bát Xát; thổ cẩm của người Xá Phó; thêu sáp ong của người Mông, dược liệu của người Dao ở thị xã Sa Pa; gạo Séng Cù, tương ớt ở huyện Mường Khương...
Riêng đối với di sản văn hóa các dân tộc rất ít người có nguy cơ mai một, ngành Văn hóa Lào Cai đã nỗ lực hoàn thành việc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; lập hồ sơ khoa học hàng chục làng tiêu biểu của 25 nhóm ngành dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sưu tầm, bảo quản dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số 11 lễ hội tiêu biểu của người Dao, Bố Y, Hà Nhì và Phù Lá. Các lễ hội đều được bảo tồn theo phương pháp trao truyền, đúng nghi lễ, phong tục.