Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lời giải bài toán sinh kế cho đồng bào trở về từ vùng dịch ở Kỳ Sơn

Phạm Việt Thắng - 11:51, 04/10/2021

Từng đoàn người rồng rắn về quê, có cả những cháu bé vừa mới 10 ngày tuổi cũng đã phải bước vào cuộc “hồi hương” bất đắc dĩ. Những sẻ chia, giúp đỡ - truyền thống tương thân, tương ái thật đẹp đẽ đã phần nào xoa dịu nỗi nhọc nhằn cho bà con. Nhưng, cả chặng dài của cuộc sống phía trước của họ sẽ như thế nào đây? Trả lời câu hỏi này,huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã có “Đề án tạo sinh kế bền vững cho bà con trở về từ vùng dịch”.

Bà Giàng Y Va ở bản Huồi Mụ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rất vui khi được hỗ trợ bò giống
Bà Giàng Y Va ở bản Huồi Mụ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rất vui khi được hỗ trợ bò giống

“Nan” đến đâu cũng phải “giải”

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh không thôi nhắc đến tình cảnh của bà con trở về từ vùng dịch. Theo ông Minh, nếu không tạo được sinh kế bền vững cho bà con, thì dù đã tránh dịch Covid-19, người dân cũng sẽ bị “giặc” đói quật ngã. Vì thế mà trong nhiệm vụ số một, trên hết và trước hết là phòng chống dịch bệnh, ông luôn đau đáu về sinh kế cho đồng bào. Ông cho biết, tính từ ngày 27/4 đến nay đã có khoảng 5.000 người, chủ yếu là đồng bào các DTTS của huyện Kỳ Sơn trở về từ các tỉnh phía Nam. Còn từ 21/7 trở lại đây, con số này là 1.700 người. 

“Dự kiến toàn huyện sẽ có 7.000 người trở về từ các tỉnh phía Nam. Chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho bà con, quả là bài toán nan giải. Nhưng nan đến đâu cũng phải giải”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết. Và, những kế sách để “giải” cái “nan” rất lớn đã được ông cùng các cộng sự hoạch định, việc gì dễ, cần kíp thì thực hiện trước; việc nào khó thì từng bước tháo gỡ.

Ông Minh cho rằng, đừng coi 7.000 người trở về là gánh nặng, mà đó là một nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển địa phương. Họ đã được tôi luyện trong các nhà máy, xí nghiệp, có tay nghề, kinh nghiệm… Đó là vốn quý. Vì vậy, trước mắt, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thu nhận nguồn lao động này để họ có thu nhập. Tiếp theo, đã và sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao như ở Na Ngoi. Chắc chắn một lượng lao động không nhỏ sẽ được tuyển dụng vào làm công nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ… Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các Hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia…

Dừng lại một chút, ông Minh nhẩm tính, mỗi cân chè tươi, lúc cao điểm được Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An thu mua với giá 9.000 đồng. “Với mức giá đó, nhiều nhà có thể làm giàu đấy”, ông Minh cho hay.

Vị Chủ tịch huyện nhấn mạnh: Nếu giao đất giao rừng thành công, tôi bảo đảm Kỳ Sơn không còn là huyện mà mỗi khi nhắc đến đều bị gắn mác “đói nghèo”. 83.000 ha đất rừng nếu được giao hết, tính ra mỗi hộ ít lắm cũng có 5 ha. Ngoài kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ, thu hái lâm sản phụ, bà con còn được tham gia Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng… “Lúc đó muốn nghèo cũng khó lắm nha”, ông Minh rất vui.

Cuối cùng, nói là cuối cùng, nhưng huyện Kỳ Sơn lại chọn là việc đầu tiên: Kêu gọi tài trợ giống cây, con… để những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất. Ông Minh cho biết, Đề án sẽ được tiến hành trên 7 xã, trước mắt chọn 2 xã làm thí điểm là Huồi Tụ và Mường Lống.

Vợ chồng Dềnh Bá Chù và Và Y Chò không hề buồn vì chưa được nhận bò. Chù nói: “Nhà ta chưa nghèo bằng các hộ khác nên cần phải ưu tiên cho họ trước”
Vợ chồng Dềnh Bá Chù và Và Y Chò không hề buồn vì chưa được nhận bò. Chù nói: “Nhà ta chưa nghèo bằng các hộ khác nên cần phải ưu tiên cho họ trước”

“Hai năm nữa nhà ta sẽ thoát nghèo”

Ông Dềnh Bá Lầu - Chủ tịch xã Huồi Tụ cho biết, toàn xã có 343 người trở về từ vùng dịch. Trong đó có 85 hộ nghèo với 145 nhân khẩu. Các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong xã đã rất tích cực quyên góp để giúp đỡ bà con trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, người dân phần lớn cũng đang khó khăn, nên sự đóng góp đang rất hạn chế. “Được bác Minh, Chủ tịch huyện gợi ý, xã ta và xã Mường Lống xây dựng “Đề án Tạo sinh kế bền vững cho bà con trở về từ vùng dịch”. Trước mắt, xã kêu gọi người dân, cán bộ, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đóng góp giúp bà con mua giống cây, con… phát triển sản xuất”, Chủ tịch xã Dềnh Bá Lầu cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Lầu, cách làm của xã Huồi Tụ là lập danh sách theo thứ tự, hộ nghèo nhất được ưu tiên trước nhất. Mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng không được nhận tiền, mà xã sẽ thanh toán tiền cho bên bán giống. Việc mua bán bằng hình thức ba bên như thế này không phải thông qua bất kỳ trung gian nào, không cần thủ tục, hồ sơ rườm rà. Người dân tự đi tìm mua cây, con giống phù hợp. Thỏa thuận xong xuôi thì báo với xã, cán bộ chính sách, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã sẽ mang tiền đến thanh toán cho bên bán.

Như để chứng minh cho lời nói và việc làm, ông Chủ tịch xã rối rít giục chúng tôi đi “coi mặt bò”. Tại bản Huồi Mụ, bà Giàng Y Va vừa đi nhận bò về. Hai vợ chồng cứ thi nhau vuốt ve con vật “quý” mà họ mơ ước bao nhiêu năm rồi mới có. Bà Giàng Y Va cười nói liên hồi: "Nó là bò cái đấy. Ta mua của ông Vừ Xáy Và, người ở cùng bản với giá 9 triệu đồng. Con bò này chỉ hơn năm nữa là có thể đẻ con rồi. Lúc đó, nhà ta chắc chắn sẽ thoát nghèo đấy".

Tôi hỏi bà Va, tại sao được hỗ trợ 10 triệu đồng mà chỉ mua con bò 9 triệu? Bà Va vỗ vỗ vào mông con bò mà rằng, vì con này chỉ đáng giá chừng đó thôi. Dư được 1 triệu đồng thì gia đình khác được hưởng.

Khác với nhà bà Giàng Y Va, ở bản Phà Sắc, nhà ông Cử Nỏ Chá lại dám “đầu tư” thêm 4 triệu để mua con bò với giá 14 triệu đồng. Ông Chá cho biết, vì ông thích con bò này, lý do là chắc chắn nó sẽ rất nhanh đẻ con, nên ông mạnh dạn vay thêm 4 triệu đồng để mua bằng được. “Ta thích lắm, vui lắm, cứ như là mơ vậy. Nhận bò xong ta liền bảo mấy đứa con đưa nó vào rẫy để nó được ăn cỏ no nê mới thôi”, ông Cử Nỏ Chá vui hết biết.

Cách nhà bà Giàng Y Va không xa là nhà của vợ chồng Dềnh Bá Chù và Và Y Chò, một gia đình có con nhỏ 20 ngày tuổi, vừa vượt cả ngàn cây số từ Bình Phước trở về. Nhà Chù chưa được nhận hỗ trợ đợt này vì chưa đến lượt ưu tiên, nhưng Chù và vợ không hề buồn. Chù nói: “Cả nhà ta về quê được bà con hỗ trợ nhiều rồi, cháu bé còn được 5 triệu tiền sữa. Mà nhà ta thì chưa nghèo bằng nhiều người khác, nên phải ưu tiên cho họ trước. Ta được biết, xã đã xin được 19 con bò và đang tiếp tục xin nữa, đã trao được 8 con rồi. Mong là nhà ai cũng được để bà con đỡ vất vả”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.