Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo

Hoàng Quý - 15:24, 29/03/2021

Những năm gần đây, việc xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân đã và đang mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

 Cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây, nâng cao năng suất
Cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây, nâng cao năng suất

Những mô hình sinh kế hiệu quả

Có dịp đến với xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi nhận thấy sự đổi thay đáng kể trên mảnh đất này. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân được cải thiện. Vui mừng hơn nữa là,  nhiều mô hình sản xuất được địa phương áp dụng đã mang lại hiệu quả.

Chị Giàng Thị Ninh (xã Ma Li Pho) chia sẻ: Trước kia cuộc sống của gia đình rất khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vườn chuối sau nhà. Tuy nhiên, trồng tự phát, thiếu kiến thức về trồng trọt, chăm sóc nên năng suất chưa cao. Kể từ khi chị được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức, chị đã nắm bắt được kỹ thuật phòng chống sâu bệnh, chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn, thực hiện mở rộng diện tích vườn chuối của mình.

Hiện nay, vườn chuối 2ha của gia đình chị đã mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Chị Ninh bảo, làm gì cũng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao. Bản thân hộ nghèo đã thiếu vốn lại không có kỹ thuật chăn nuôi, trồng cấy thì khó mà thoát nghèo.

Hay như tại xã Mường So (Phong Thổ), người dân cũng đang tích cực thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp. Mô hình đang giúp các hộ nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng diện tích; cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chị Teo Thị Nơi (xã Mường So) cho biết: khi tham gia vào mô hình, chị được hỗ trợ 2 triệu đồng để cải tạo lại vườn tạp, 5 triệu đồng làm chuồng chăn nuôi. Nhờ đó, trên quỹ đất 200m2 của mình, chị Nơi đã xây dựng khu trồng trọt rau quả và khu chăn nuôi với hơn 100 con gà, 5 con lợn. Từ vườn tạp bỏ không, nay đã mang lại nguồn thu 3-5 triệu đồng mỗi tháng, đủ cho gia đình chị Nơi sinh hoạt.


Nhiều mô hình sinh kế đang được triển khai hiệu quả tại tỉnh Lai Châu
Nhiều mô hình sinh kế đang được triển khai hiệu quả tại tỉnh Lai Châu

Đời sống người dân ngày càng được nâng cao

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: nhằm tạo sinh kế cho đồng bào, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào vay vốn; đồng thời tổ chức hướng nghiệp, đào tạo nghề. Huyện cũng tích cực định hướng sản xuất, hỗ trợ người dân trong việc liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phong Thổ giảm xuống còn 20,49%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm (so với năm 2015 là 15 triệu đồng/người/năm), có 4 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới..

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao trong giai đoạn là hơn 2.340 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 2.069 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 125 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, chỉ trong vòng 5 năm gần đây, tỉnh Lai Châu giảm hơn 17 nghìn hộ nghèo; số lao động được tạo việc làm toàn tỉnh là hơn 35 nghìn người...


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.