Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lối đi nào cho năng lượng tái tạo?

Sỹ Hào - 10:15, 04/03/2020

Thời gian qua, với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời… - NLTT) đã được triển khai. Nhưng đường truyền tải hạn chế đang khiến một phần lớn nguồn NLTT bị “đóng băng”, trong khi điện vẫn phải nhập khẩu, còn môi trường đang bị ô nhiễm vì các nhà máy điện than

Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than nếu không được xử lý sẽ là mối đe dọa đối với môi trường.
Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than nếu không được xử lý sẽ là mối đe dọa đối với môi trường

Khuyến khích phát triển năng lượng sạch

Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia năm 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch điện VII sửa đổi), dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn ở mức trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Nguồn thủy điện trên cả nước về cơ bản đã khai thác gần hết, để bảo đảm nguồn điện buộc phải phát triển nhiệt điện than.

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì nhiệt điện than là mối đe dọa thực sự đối với môi trường. Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước thải mỗi năm khoảng 29 triệu tấn tro, xỉ; cùng với đó là khoảng hàng triệu tấn/năm chất vô cơ không cháy bay theo khói lò thoát ra ngoài.

Trước thực trạng đó, phát triển năng lượng “xanh” đang là xu hướng, được đánh giá sẽ là nguồn cấp điện quan trọng. Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT tại Việt Nam.

Theo đó, sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới trước ngày 30/6/2019 sẽ được mua với giá 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm; trong khi khung giá mua điện đối với nhà máy nhiệt điện than dao động 1.677,02 - 1.896,05 đồng/kWh, nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh.

Với chính sách khuyến khích về giá này, hàng loạt dự án NLTT đã được đầu tư. Chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW.

Dư điện, thiếu đường dây!

Phát triển NLTT là xu hướng tất yếu để vừa bảo đảm nguồn điện phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế phát triển nguồn năng lượng sạch này của nước ta đang cho thấy sự nóng vội nhất định.

Theo Quy hoạch điện VII sửa đổi (tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016), mục tiêu đến năm 2020, công suất các nhà máy NLTT của cả nước là 2.060MW. Nhưng chỉ tính riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hiện công suất NLTT đã vượt quy hoạch của cả nước (dự báo đến tháng 12/2019, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW).

Điện từ NLTT dồi dào nhưng lưới điện quốc gia hiện không đủ khả năng để truyền tải. Đơn cử như đường dây 100kV Phan Rí - Ninh Phước (Bình Thuận), khả năng truyền tải chỉ đạt khoảng 100MW; nhưng hiện đường dây này đã có thêm 10 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất khoảng 400MW.

Lưới điện quá tải nên buộc các nhà máy điện tái tạo phải giảm công suất so với thiết kế. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (thuộc EVN), trong tháng 6/2019, đơn vị buộc phải điều chỉnh giảm tải điện ở các nhà máy điện tái tạo 38 - 65% công suất thiết kế, không phân biệt dự án điện gió hay mặt trời.

Để giải bài toán “dư điện, thiếu đường dây”, các địa phương cũng như chủ đầu tư các dự án NLTT đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới lưới điện quốc gia. Đây là phương án cần phải nghiên cứu để thực hiện; nhưng là về lâu dài. Bởi để đầu tư lưới điện từ 200 - 500kV cũng phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện cũng không thể ngày một ngày hai.

Trước mắt, để tránh rơi vào tình trạng đầu tư ồ ạt, bị động như hiện nay, cần quy hoạch lại các dự án NLTT. Đặc biệt, khi đã có quy hoạch thì cần làm đúng nội dung đã vạch ra; trong đó vai trò của Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương là mấu chốt.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.