Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lào Cai có “Ngân hàng máu di động”

PV - 20:45, 10/04/2018

Hiện nay, tỉnh Lào Cai chưa có kho dự trữ và bảo quản máu, vì vậy việc truyền máu cho các bệnh nhân cấp cứu gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện thiếu thốn đó, hàng ngàn người đã tình nguyện tham gia câu lạc bộ (CLB) hiến máu nhân đạo, sẵn sàng hiến máu khi người bệnh cần.

Hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 

Bệnh nhân Trần Thị Tươi, 73 tuổi, ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng cấp cứu trong tình trạng sức khỏe yếu và thiếu máu cấp. Để có máu phục vụ cho việc cấp cứu bệnh nhân, Bệnh viện đã kêu gọi các thành viên trong CLB hiến máu của huyện, nhiều tình nguyện viên trong CLB đã có mặt để hiến máu cho bà Tươi. Chị Hoàng Thị Lý, con gái bà Tươi cho biết: Mẹ chị vào viện cấp cứu trong tình trạng thiếu máu cấp, người trong gia đình lại không có ai trùng với nhóm máu của bà Tươi, Bệnh viện cũng không còn máu dự trữ nên gia đình rất lo lắng. “Rất may mắn cho gia đình là được các anh chị trong CLB hiến máu của huyện đã tới hiến máu giúp mẹ tôi qua cơn nguy kịch”, chị Lý chia sẻ.

Bà Tươi chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân trên địa bàn được cấp cứu kịp thời từ những giọt máu sẻ chia của các tình nguyện viện trong CLB hiến máu nhân đạo huyện Bảo Thắng.

Năm 2013, Bảo Thắng trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai thành lập CLB hiến máu nhân đạo trên cơ sở tự nguyện của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Bên cạnh các tình nguyện viên có nhóm máu phổ biến như A, AB, B thì CLB còn có 10 tình nguyện viên thuộc nhóm máu hiếm. Không ồn ào, phô trương, đóng góp của các tình nguyện viên diễn ra thầm lặng để cứu người tại Bệnh viện Đa khoa huyện.

Niềm vui của các anh chị đó là sự hồi phục của bệnh nhân khi được truyền máu cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện huyện Bảo Thắng cho biết: Từ khi thành lập đến nay các tình nguyện viên trong CLB đã hiến hàng trăm đơn vị máu, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. “Nhiều thành viên trong CLB dù không đủ tiêu chuẩn để hiến máu như mới mắc một số bệnh hay vấn đề cân nặng nhưng họ vẫn nhiệt tình đăng ký tham gia, không hiến máu được thì họ tham gia các hoạt động tuyên truyền về hiến máu nhân đạo”.

Đã 3 lần tham gia hiến máu cứu sống người bệnh, anh Giàng Trung Thành, ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng cho biết: “Qua những lần hiến máu cứu người bệnh chúng tôi cảm thấy mình sống có ích hơn, tình người được sẻ chia và nhân rộng. Rất mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều bạn trẻ tham gia vào CLB để nguồn cung cấp máu được phong phú hơn”.

Bác sĩ Đặng Quang Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết: Để có nguồn máu cho bệnh nhân, tất cả cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện đều là thành viên của CLB hiến máu tình nguyện, bất kể thời điểm nào, bệnh nhân cần nguồn máu các y bác sĩ, các tình nguyện viên đều sẵn sàng truyền máu cho bệnh nhân, rất nhiều bệnh nhân thiếu máu nặng đã qua khỏi tình trạng nguy kịch. “Trong tình trạng thiếu máu cứu người chung của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện vùng cao thì hoạt động của CLB có ý nghĩa hết sức to lớn giúp chúng tôi có thể cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân khi đến bệnh viện cấp cứu và điều trị”.

Từ hiệu quả hoạt động của mô hình CLB hiến máu tình nguyện của huyện Bảo Thắng đã góp phần khuyến khích việc thành lập CLB tương tự tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 30 CLB, đội hiến máu tình nguyện và 1 CLB nhóm máu hiếm, với gần 4 nghìn tình nguyện viên tham gia. Với thực tế của tỉnh Lào Cai hiện chưa có kho lưu trữ, bảo quản máu, nên các CLB hiến máu nhân đạo chính là những “ngân hàng máu di động” góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.