Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Làng Xốp Dùi đổi mới

Phạm Nguyên - 09:24, 24/11/2022

Phát huy truyền thống cách mạng, sau ngày đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua việc đầu tư nhiều chương trình, dự án, thực hiện hiệu quả chính sách cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, trong đó có làng kháng chiến Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), nhờ đó, cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng ngày càng no ấm.

Các cựu chiến binh làng Xốp Dùi ôn lại truyền thống đánh giặc của cha ông cho thế hệ trẻ.
Các cựu chiến binh làng Xốp Dùi ôn lại truyền thống đánh giặc của cha ông cho thế hệ trẻ.

Về làng Xốp Dùi hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay ở nơi đây. Bên cạnh những con đường bê tông trải dài là những ngôi nhà xây kiên cố, ruộng lúa chín vàng, những vườn cà phê xanh mướt. Diện mạo đó cho thấy, cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng hôm nay đang từng ngày đổi mới.

Dẫn phóng viên đi thăm quan làng một vòng, dừng chân bên gốc đa cổ thụ ở cuối làng, Cựu chiến binh A Miếc kể về lịch sử hào hùng của làng kháng chiến Xốp Dùi năm xưa: Ngày ấy, làng có 80 bếp với khoảng 200 nhân khẩu, là đồng bào Xơ Đăng sinh sống. Được sự chỉ đạo của huyện và sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, ông A Mét cùng một số người  vận động Nhân dân rào làng phòng bị. Đường ra vào bố trí công phu, bí mật, khi có báo động là tất cả nam nữ đều tham gia đánh giặc.

Làng kháng chiến Xốp Dùi là mô hình làng kháng chiến được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Nhân dân nơi đây đã một lòng, một dạ trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ. Và địa danh Xốp Dùi đã sáng mãi trong lòng người dân Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung.

Làng Xốp Dùi hôm nay.
Làng Xốp Dùi hôm nay.

Phát huy truyền thống cách mạng, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Nhân dân làng Xốp Dùi nói riêng và xã Xốp nói chung đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Với nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình 135; dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho huyện nghèo theo Chương trình 30a; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo dành cho hộ nghèo, cận nghèo…, Nhân dân trên địa bàn xã Xốp đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Hiện, diện tích cây lương thực trên địa bàn xã đạt 272 ha, cây cà phê đạt 223 ha, cây ăn quả hơn 15 ha, cây mắc ca 32ha và 31 ha cây dược liệu. Ông A Đoan ở làng Xốp Dùi cho biết: “Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ bà con trồng cà phê, cây sâm dây và đầu tư làm đường giao thông đến tận các thôn, làng nên bà con phát triển kinh tế rất thuận lợi, đời sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều”.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây cà phê xứ lạnh.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây cà phê xứ lạnh.

Chị Y Lương ở thôn Kon Liêm, xã Xốp, huyện Đăk Glei cũng chia sẻ, nhờ tỉnh hỗ trợ 1.000 cây giống cà phê theo Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình trồng được 3 sào. Sau khi thu hoạch thấy cho hiệu quả kinh tế cao thì gia đình mua thêm cây giống để trồng, đến nay là được 3 ha. Mỗi năm thu hoạch trừ chi phí cũng dư gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Chủ tịch UBND xã Xốp cho biết: Việc triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS làm cho đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Xốp đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 154 hộ, chiếm 27,9%; xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã sẽ huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của xã, nhất là phát triển nông nghiệp, cây dược liệu nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng xã nhà ngày một phát triển.

Cây lúa nước đảm bảo nguồn lương thực cho bà con trên địa bàn
Cây lúa nước đảm bảo nguồn lương thực cho người dân ở Xốp Dùi

Để truyền thống lịch sử hào hùng của làng kháng chiến Xốp Dùi không bị mai một, những người già trong làng cũng tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Em A Đơn, học sinh Trường TH&THCS xã Xốp, huyện Đăk Glei chia sẻ: Thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Vì vậy, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể giúp ích cho quê hương, xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn và không phụ công ơn của thế hệ cha ông. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.