Xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan sau khi sáp nhập còn 7 thôn và có tới 9 nhà văn hóa. Mặc dù số nhà văn hóa có nhiều hơn số thôn, song do thời gian được xây dựng đã lâu, nên hầu hết nhà văn hóa đều đã xuống cấp, không đủ sức chứa khi thôn tổ chức họp hay diễn ra các sự kiện văn hóa trong thôn.
Tại thôn Đồng Văn - thôn được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 thôn Khuổi Nọi và thôn Bắc Nam. Sau sáp nhập, thôn Đồng Văn có 2 nhà văn hóa, nhưng cả 2 nhà văn hóa đều đã xuống cấp, không đủ sức chứa so với quy mô dân số của thôn tăng. Hiện, thôn có 150 hộ dân, trong khi mỗi nhà văn hóa chỉ có sức chứa gần 90 người.
Ông Lăng Văn Toàn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết: Mặc dù các thôn đã sáp nhập, nhưng do địa hình dân cư sống cách xa nhau, nhà văn hóa nhỏ, không đủ diện tích để tổ chức các hoạt động văn hóa, nên mỗi lần sinh hoạt thôn hoặc triển khai hoạt động khác thì chúng tôi phải tổ chức làm 2 lần. Việc này đã làm ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt của người dân, nhất là cán bộ xã phải vất vả đi lại nhiều lần.
Tại huyện Lộc Bình, tình trạng này cũng xảy ra tương tự. Hiện, toàn huyện vẫn còn 8 thôn chưa có nhà văn hóa nhưng lại có tới 44 thôn, khối phố đang sử dụng cùng lúc 2 hoặc 3 nhà văn hóa. Cả huyện có 100/228 nhà văn hóa không đủ sức chứa sau khi sáp nhập, có tới 70 nhà văn hóa thôn xuống cấp, cần được xây mới.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lạng Sơn, sau khi hoàn thành sáp nhập 878 thôn thành 414 thôn vào cuối năm 2019, toàn tỉnh dư thừa 453 nhà văn hóa thôn. Hiện tại, cả tỉnh có 401 thôn sử dụng 2 hoặc 3 nhà văn hóa. Trong số 1.819/1.850 thôn có nhà văn hóa, thì chỉ có 733 thôn, khối phố có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, chiếm hơn 40%, còn lại 377 nhà văn hóa cần được mở rộng, 351 nhà văn hóa đã hỏng, xuống cấp trầm trọng cần được xây mới.
Rõ ràng việc dư thừa về số lượng, thiếu về quy mô, tiêu chuẩn nhà văn hóa thôn, khối phố sau khi sáp nhập đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Trước thực trạng thừa thiếu nhà văn hóa thôn, khối phố sau khi sáp nhập, Sở đã tiến hành rà soát, nắm bắt thực trạng và ban hành hướng dẫn phương án sử dụng có hiệu quả các nhà văn hóa đang có. Đối với các thôn chưa có nhà văn hóa, Sở đã tham mưu với cấp có thẩm quyền hỗ trợ xây mới nhà văn hóa theo chuẩn mới, giúp người dân có điều kiện để sinh hoạt, đồng thời góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Đặc biệt, trong lúc chưa có cơ chế, chính sách mới của tỉnh và huyện về giải quyết những nhà văn hóa dôi dư và cả những nhà văn hóa mới không bảo đảm sau sáp nhập, Sở cùng chính quyền địa phương các xã đang vận động người dân chủ động khắc phục khó khăn, huy động xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp tạm thời các nhà văn hóa đã xuống cấp…