Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những phát sinh sau khi sáp nhập thôn bản: Câu chuyện về Nhà văn hóa

Sỹ Hào - 11:05, 21/02/2020

Kết quả sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực, được Nhân dân đồng thuận cao. Tuy nhiên, sau sáp nhập, việc sử dụng các công trình hạ tầng chung, nhất là công trình nhà văn hóa (NVH) như thế nào để tránh lãng phí vẫn là một vấn đề phải tính toán kỹ.

NVH thôn (cũ) không sử dụng thì lãng phí, sử dụng cho sinh hoạt cộng đồng thì chật hẹp. (Ảnh minh họa)
NVH thôn (cũ) không sử dụng thì lãng phí, sử dụng cho sinh hoạt cộng đồng thì chật hẹp. (Ảnh minh họa)

Thừa nhưng lại thiếu

Số liệu trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (2010 - 2020) cho thấy, tính đến thời điểm tháng 9/2019, cả nước có gần 73 nghìn NVH thôn, làng, tổ dân phố, ấp bản, bon buôn (gọi chung là NVH thôn). Số NVH thôn này là kết quả từ việc huy động sự đóng góp của Nhân dân và nguồn ngân sách nhà nước trong 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của NVH thôn, NVH thôn ở khu vực đồng bằng có diện tích từ 500m2 trở lên, quy mô đáp ứng tối thiểu 100 chỗ ngồi; đối với khu vực miền núi phải từ 300m2 trở lên và tối thiểu đáp ứng 80 chỗ ngồi. 

Trong điều kiện nguồn lực xây dựng NTM còn hạn hẹp, khi bố trí xây dựng NVH, các địa phương cũng chỉ lo làm sao đáp ứng được tiêu chuẩn này; rất ít NVH thôn được xây dựng quá diện tích và quy mô theo mẫu của Bộ VHTT&DL. Và thực tế, theo báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng NTM, trong gần 73 nghìn NVH thôn hiện nay chỉ có gần 48 nghìn công trình đạt chuẩn theo quy định, chiếm tỷ lệ khoảng 65,7%; đồng nghĩa số còn lại “dưới chuẩn”.

NVH thôn đã phát huy hiệu quả, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, kết nối tình đoàn kết. Nhưng hiện nay, sau khi thực hiện sáp nhập thôn, dù NVH đạt chuẩn hay “dưới chuẩn” theo quy định của Bộ VHTT&DL thì các địa phương vẫn phải đối diện với tình cảnh có NVH cũng như không; buộc phải tính toán phương án làm thế nào có kinh phí để xây NVH mới; đồng thời “thanh lý” số NVH đã được xây dựng như thế nào cho phù hợp.

Sở dĩ có thực trạng này là bởi sau sáp nhập, hầu hết các thôn có từ 2 - 4 NVH. Tưởng rằng là “thừa” nhưng thực tế, thôn mới sáp nhập lại thiếu NVH, vì NVH cũ diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng khi mà số lượng dân cư đã tăng lên rất nhiều. 

Thanh lý như thế nào?

Thôn sau sáp nhập từ 2 hoặc nhiều thôn sẽ có nhiều NVH nhưng không thể sử dụng vì diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng yêu cầu mới. Trong khi đó, để thực hiện xây dựng NTM, hoặc xây dựng NTM nâng cao thì nhất thiết phải đáp ứng được tiêu chí thiết chế văn hóa, trong đó có hạng mục NVH thôn. 

Vì thế, rất nhiều thôn sau khi sáp nhập sẽ phải tính tới phương án xây mới NVH. Nhưng trước đây, khi xây dựng NVH, thôn (cũ) đã vận động Nhân dân trong thôn tham gia đóng góp. Do vậy, để kêu gọi đóng góp một lần nữa cho xây dựng NVH là điều không hề dễ, nhất là đối với những thôn có điều kiện kinh tế khó khăn. 

Theo tính toán, kinh phí để xây dựng một NVH thôn ở khu vực miền núi ít thì 300 triệu đồng, nhiều thì 500 triệu đồng, là số tiền không phải nhỏ. Nếu vì chạy theo thành tích, quyết huy động sức dân “đập cũ, xây mới” để đáp ứng tiêu chí NTM nâng cao sau khi sáp nhập thôn bản thì sẽ dễ dẫn tới những hệ lụy rất khó lường. 

Một vấn đề cũng khó giải quyết là quản lý, sử dụng những NVH cũ như thế nào để tránh lãng phí? Được biết, hiện một số địa phương đã tạm thời sử dụng các NVH cũ, nhưng rất chật vật bởi nơi sinh hoạt chung của cộng đồng đã quá chật so với quy mô dân số của thôn mới. 

Để sử dụng NVH cũ diện tích chật hẹp, có thôn đã khắc phục khó khăn bằng cách căng phông, rạp để Nhân dân tham gia sinh hoạt. Hoặc một số thôn có đình làng, huyện chỉ đạo xã nâng cấp đình làng để làm nơi sinh hoạt chung. Một giải pháp cũng đang được một số địa phương thực hiện là bán thanh lý các NVH cũ, vừa tránh lãng phí, vừa huy động thêm nguồn để xây dựng NVH mới. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.