Khó khăn do khách quan
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có diện tích rộng trên 2.000km2, với 78.000 dân, phân bổ trên 21 xã, thị trấn. Theo quy định, huyện sẽ có 36/193 thôn, bản phải tiến hành sáp nhập. Tuy vậy, hiện mới chỉ có 9 bản đảm bảo các điều kiện để tiến hành, còn lại 27 bản không đảm bảo các điều kiện để sáp nhập vào các bản liền kề.
Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn Lầu Bá Thái cho biết: Các bản chưa sáp nhập được là do khoảng cách địa lý quá xa, nhiều bản cách nhau từ 4 -15km. Do đó, đến nay trên địa bàn huyện chỉ mới sáp nhập được 2 cặp bản còn 6 cặp bản còn lại mặc dù huyện triển khai từ đầu năm 2019.
Ông Lầu Bá Thái cũng cho biết thêm, bên cạnh lý do khách quan, việc sáp nhập khó khăn còn do lịch sử để lại. Trong các bản này có những bản trước đây vốn dĩ là 1 bản nhưng do mâu thuẫn về dòng họ nên tách ra làm 2 bản. Bên cạnh đó, một số bản lại khác biệt về phong tục, tập quán nên sáp nhập thành một bản là rất khó khăn.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Hoè khẳng định: Quan điểm chỉ đạo của huyện là, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong đó vận động trưởng dòng họ, Người có uy tín để lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời, huyện kiến nghị với tỉnh đối với những bản có vị trí địa lý khoảng cách quá xa có thể xem xét yếu tố đặc thù không phải sáp nhập.
Khó khăn của huyện Kỳ Sơn cũng là khó khăn chung của địa phương miền núi cao, gặp nhiều trở ngại trong đó địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác.
Bí thư Chi bộ bản Na Bè, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) Lô Văn Nghệ cho biết: Bản Na Bè hiện có dân tộc Khơ-mú sinh sống, dự kiến sẽ sáp nhập với bản Hợp Thành có dân tộc Mông sinh sống. Do đó, khi sáp nhập, bước đầu 2 bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn do có sự khác nhau của hai dân tộc về văn hoá, phong tục.
Cán bộ cơ sơ chưa tích cực
Theo ông Trần Quốc Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An: Việc sáp nhập khó khăn còn nguyên nhân khác, là vẫn có các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập. Một số cán bộ có tâm lý dao động, chuẩn bị sáp nhập không mặn mà với công việc, không tích cực trong tuyên truyền, vận động Nhân dân ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.
Một vấn đề khó khăn khác, trong việc sử dụng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân các xóm đều đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa, nhưng những nhà văn hóa này chỉ phù hợp với quy mô xóm cũ. Tổ chức xây mới nhà văn hóa khi sáp nhập các xóm là rất khó vì phải có diện tích phù hợp, trong khi hầu hết các xóm đã quy hoạch chia đất hết cho dân và người dân. Hơn nữa dân vừa mới đóng góp xong rất khó huy động đóng góp lần nữa…
Với những khó khăn đã được nêu trên, việc sáp nhập các thôn bản ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An cần phải được chính quyền đặc biệt quan tâm. Để việc này diễn ra theo đúng lộ trình, cần sự chung sức, đồng thuận của người dân; Các cấp chính quyền ở Nghệ An cần phải tính toán, xây dựng kế hoạch chu đáo, giải pháp sáp nhập hợp lý; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng chủ trương và làm theo...
Vẫn có các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập. Một số cán bộ có tâm lý dao động, chuẩn bị sáp nhập không mặn mà với công việc, không tích cực trong tuyên truyền, vận động Nhân dân...” (Ông Trần Quốc Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An)
MINH THỨ - CÔNG KIÊN