Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghề nghiệp - Việc làm

"Làng" chuốt lá buông

PV - 16:55, 13/08/2021

Dưới cái nắng khô hanh của mùa khô, những tấm lá buông từ màu xanh non nhanh chóng chuyển sang màu trắng ngà. Dọc hai bên Quốc lộ I, đoạn qua ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), lá buông được trải ra, xếp lớp lên nhau tạo thành hình ảnh đẹp mắt chỉ có tại "làng" chuốt lá buông.

Bà Lê Thị Xuân, 44 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thực hiện công đoạn chuốt lá buông
Bà Lê Thị Xuân, 44 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thực hiện công đoạn chuốt lá buông

Những người làm công việc chuốt lá buông cho biết, nghề này đã có từ hàng chục năm nay, giúp nhiều người trong ấp có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình.

Vào mùa chuốt lá

Tại khu vực ấp 1, xã Xuân Hưng hiện có gần 20 hộ làm nghề chuốt lá buông. Gia đình nào cũng gắn bó với công việc này từ nhiều năm trước, có những nhà không chỉ cha mẹ, mà con cái cũng tham gia. Mùa khô được coi là thời điểm lý tưởng nhất để phơi, chuốt và đóng gói lá buông đưa đi tiêu thụ.

Bà Thái Thị Vân (51 tuổi) cho hay, lá buông nhìn giống lá dừa. Lúc còn tươi có màu xanh lá non nhìn rất đẹp. Những thớ lá dài 1 - 2m dính chặt với nhau bằng các đường xương cá, tạo thành chiếc ô xòe tán rộng. Lá được dùng làm nón, đan túi xách và làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) khác. Thị trường tiêu thụ lá buông khắp nơi, có thể xuất đi miền Trung, miền Tây Nam Bộ dùng làm nguyên liệu đan lát các món hàng TCMN.

Theo bà Vân, những năm 1980, khi bà theo chồng về đây lập nghiệp thì đã thấy bà con trong ấp phơi, chuốt lá một cách thành thục. Công việc nhẹ nhàng nên hầu như chỉ có phụ nữ, trẻ em mới làm, còn đàn ông, thanh niên thì đi làm rẫy hoặc theo nghề xây dựng. Nguồn gốc giống cây này được người Campuchia vào rừng chặt thành bó rồi đưa sang tỉnh Tây Ninh bán. Sau đó, các thương lái người Việt mua về, đem lên Xuân Lộc thuê người chuốt.

Nhu cầu của thị trường ngày càng ưu tiên dùng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nên đồ TCMN làm từ lá buông như: Quạt, nón, túi xách, đồ vật trang trí... rất được ưa chuộng. Nghề chuốt lá buông cũng vì thế mà thuận lợi hơn, bởi người làm có việc thường xuyên, tiền công được trả cao so với trước đây.

Bà Nguyễn Thu Xuân, một đầu mối chuyên cung cấp lá buông cho biết, cứ vài ngày lại có xe tải chở lá buông tươi từ tỉnh Tây Ninh về. Mỗi đợt bà thuê vài xe tải loại lớn gom khoảng vài chục tấn lá tươi. Nghề này chủ yếu làm vào mùa khô bởi nắng mạnh, lá phơi lên màu đẹp, nên các cơ sở đan lát rất chuộng.

Trung bình khoảng 6 - 7 tấn lá tươi thì thu về chừng 1 tấn lá khô đã thành phẩm. Sau đó, bà Xuân phân thành từng loại, với mục đích sử dụng khác nhau rồi bán cho những ai cần. Thường loại lá với bản to, dài sẽ được bán cho các cơ sở đan nón lá ở các tỉnh miền Trung. Còn loại dùng để đan lát đồ TCMN thì đưa về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

“Ngày trước, nghề mua bán, chuốt lá buông có thể làm quanh năm. Nhưng những năm gần đây, nguồn cung bị thu hẹp lại chủ yếu tập trung vào mùa khô, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến hết tháng 6 năm sau”, bà Vân bộc bạch.

Những người làm nghề cho hay, nhờ vào thời tiết ở Đồng Nai không mưa như ở nơi khác, nên rất thuận lợi để phơi phóng. Người dân tranh thủ phơi đến đâu, chuốt ngay đến đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mất khoảng chừng 1 ngày nắng giòn là khô. Lá buông có thể bảo quản được vài tháng mà không lo bị mốc, chuyển màu.

Gắn bó với nghề

Những ngày cao điểm mùa khô, thời tiết ở Đồng Nai nắng kéo dài từ tầm sáng đến chiều tối. Nhìn hai bên đường, những lớp lá buông tươi trải dài hun hút màu vàng, xanh xen lẫn nhau dần chuyển sang màu trắng ngà.

Bà Hai Thúy (41 tuổi) cho hay, lá buông mua về sau khi chọn lựa, phân loại từng nhóm với độ dài ngắn nhất định rồi đem đi phơi. Khi phơi, nhiều nắng quá lá buông sẽ giòn, quăn queo; ngược lại ít nắng quá lại dễ bị mốc. Nếu phơi gặp mưa thì lá mất màu trắng vàng, dễ bị mốc đốm sẽ không sử dụng được. Do đó, phơi lá đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể xao nhãng, phải liên tục để mắt theo dõi như chăm tằm tơ.

Sau khi phơi, đến công đoạn xé lá, người làm phải biết lựa đường xương cá để xẻ lá, nếu không cẩn thận sẽ bị rách, nát. Tiền công được thương lái trả 100 - 120 ngàn đồng/tạ lá khô. Mỗi ngày, làm thường xuyên từ sáng đến tối có thể kiếm được khoảng 200 ngàn đồng.

Sau công đoạn xẻ lá được còn gọi là chuốt lá. Theo những người trong làng, chuốt lá là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ tay nghề cao, nên tiền công được trả 150 ngàn đồng/tạ. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách kéo riêng. Không cần máy móc, người thợ chỉ cầm một lưỡi dao lam sắc lẹm kéo một đường thẳng dài. Tấm lá buông chia đôi, phần xương đem bỏ còn lá giữ lại để làm nguyên liệu đan lát. Lá kéo xong nhúng qua nước rồi tiếp tục đem đi phơi thêm một lần nữa để nan lá có độ dẻo và mềm hơn. Cuối cùng bó lại thành cuộn.

“Tôi làm công việc này đã hơn 20 năm, trước đây mỗi tháng kiếm được chừng 1 - 2 triệu đồng, bây giờ khoảng 4 - 5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. So với nghề khác thì nghề chuốt lá buông đỡ vất vả hơn”, bà Hai Thúy tâm sự.

Một hộ dân ở ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc phơi lá buông thành từng lớp ngay sát Quốc lộ I
Một hộ dân ở ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc phơi lá buông thành từng lớp ngay sát Quốc lộ I

Xung quanh nhà của những người làm công việc này, những dãy lá buông dài hun hút được phơi ngay trên nền đất, hàng rào, mặt đường... đang đón ánh nắng chói chang của mùa khô. Mỗi ngày nắng như thế, với họ là cả một niềm vui, khi lá được phơi khô nhanh chóng, không phải chạy đôn chạy đáo lo trời mưa. Đây thực sự là một nghề độc đáo ở vùng đất Xuân Lộc, không pha lẫn với bất cứ làng nghề nào.

Gắn bó với nghề chừng 15 năm, bà Lê Thị Xuân (44 tuổi) cho hay, cái khó của nghề là công đoạn kéo lá làm sao cho thẳng không bị vướng, phạm vào phần lá. Và quan trọng là nan lá nào cũng bằng nhau theo khổ rộng 10 - 12 - 15mm. Chẳng may sơ ý, lưỡi dao sắc bén có thể xiên vào ngón tay trỏ, đứt tay chảy máu. Dễ thấy nhất là ngón tay cái và ngón trỏ của những ai gắn bó với nghề này thường chi chít vết sẹo.

Bà Xuân cho hay, hiện nay, nhu cầu của người dân sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên ngày một cao, nên những đồ vật trang trí, các món hàng TCMN đan bằng lá buông cũng ngày càng được ưa chuộng. Nhờ vậy, người dân ở ấp có việc làm từ việc chuốt lá buông. Bà rất vui vì được gắn bó lâu dài với công việc chuốt lá buông. So với làm công nhân, thu nhập từ nghề này không cao, nhưng vẫn có thể giúp gia đình bà có cuộc sống ổn định.

“Vào mùa nắng, từ sáng đến chiều tối, không khí lao động ở làng lá buông khẩn trương, tràn ngập trong niềm vui. Thành quả của những giọt mồ hôi hiển hiện bằng màu trắng ngà của những đọt lá buông đã khô”, bà Xuân bộc bạch./.

Tin cùng chuyên mục
Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận mang đặc trưng bởi nhiều nét riêng, từ cách làm cho đến cách nung để có những sản phẩm độc đáo nhất. Do vậy, làng nghề gốm ở Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm chất lượng, mà còn là điểm đến trải nghiệm ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.