Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng chiếu nhớ tiếng thoi đưa

Tiêu Dao - 12:25, 04/08/2024

Ở làng chiếu Cẩm Nê xưa kia từng có cả trăm hộ dân làm nghề dệt chiếu. Thế mà bây giờ trong làng chỉ còn duy nhất một bà lão duy trì nghề dệt chiếu thủ công truyền thống. Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ giúp người dân khôi phục làng nghề, nhưng bài toán đầu ra vẫn vô cùng gian nan.

Làng chiếu Cẩm Nê từng một thời hoàng kim, giờ chỉ còn duy nhất một hộ dệt chiếu.
Làng chiếu Cẩm Nê từng một thời hoàng kim, giờ chỉ còn duy nhất một hộ dệt chiếu

Một thời hưng thịnh

Làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) từng nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Xưa kia, có những chiếc chiếu đặc biệt được dệt để tiến vua, đó là chiếc chiếu hoa chiều rộng 2,5 mét, dài tới 25 mét, được những người dệt chiếu lão luyện làm trong gần một tháng. Nhờ chiếc chiếu ấy, người làng đã được ban thưởng trọng hậu và sau kỳ tích đó, tiếng tăm chiếu Cẩm Nê đã bay đi khắp đất nước.

Trong câu chuyện của làng mình, những người già vẫn nhắc về thời vàng son cách đây mấy trăm năm. Nghề làm chiếu ở làng Cẩm Khê có nguồn gốc từ Thanh Hóa, lúc vua Lê Thánh Tông mở đất về phương Nam, nhiều người đã ở lại đây sinh sống mang theo nghề dệt chiếu. Tính từ thời điểm đó đến nay đã hơn 500 năm, nghề làm chiếu đã được truyền nối qua bao thế hệ. 

Khoảng những năm 1980 - 1990, chiếu Cẩm Nê ở vào giai đoạn cực thịnh khi sản phẩm của làng được bán khắp các tỉnh miền Trung. Nhà nhà dệt chiếu. Khung lớn, khung bé rải đều từ nhà dưới lên nhà trên. Trong nhà khi nào cũng có cả chục người làm, xe cộ nườm nượp vào ra để chở chiếu đem bán. Đến mỗi dịp tết, đơn hàng tới tấp. Từ đầu làng đến cuối làng rực rỡ những gam màu vàng, xanh, đỏ, tím… nhuộm trên những sợi cói được hong phơi.

Người dân làng Cẩm Nê phơi cói sau công đoạn nhuộm. Nguồn ảnh: danangfantasticity.com
Người dân làng Cẩm Nê phơi cói sau công đoạn nhuộm. Nguồn ảnh: danangfantasticity.com

Công làm một chiếc chiếu không hề nhỏ, từ việc gặt lác, chặt đay về đem phơi, rồi phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nắm một và mang phơi nắng. Một nắm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần. Mỗi khung dệt có hai người tham gia. Trong đó, một người luồn cói và người kia dùng go dệt cói vào đay cho chắc chắn. Chiếu dệt xong mang phơi khắp sân, rồi cuối cùng ghim các đầu dây đay để cho hai đầu chiếu khỏi bung ra. 

Để chiếu không lệch. thì làm công đoạn này phải khéo tay và có cặp mắt tinh tế. Viền chiếu luôn được gấp rất kỹ, độ dày cũng lớn hơn, độ bền chắc chắn và nằm êm lưng hơn so với chiếu địa phương khác. Mỗi đôi chiếu đặt làm đặc biệt thì có giá 700.000 - 800.000 đồng, tương đương với chiếu trúc làm máy. Sau khi trừ tiền thuê nhân công và nguyên vật liệu thì gần như không còn một đồng lời. 

Do không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, người làng chiếu phải đặt mua sợi cói từ địa phương khác, lấy công phơi, nhuộm cói, dệt chiếu làm lời. Mỗi chiếc chiếu thủ công thông thường được bán với giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền bán được có khi cũng không đủ trang trải cuộc sống. Bởi vậy, cái nghề cứ dần lụi đi trông thấy.

Sản phẩm chiếu Cẩm Nê
Sản phẩm chiếu Cẩm Nê (Ảnh tư liệu)

Làng chiếu bây giờ dường như chỉ còn cái tên, bởi chẳng còn những lách cách thoi đưa, những sợi cói rực rỡ trong nắng, những bãi đay bãi lác rì rào trong gió, tất cả chỉ là một thời của quá vãng. Những cơn lốc của thị trường đã cuốn làng chiếu vào tình cảnh lao đao. Nào là những sản phẩm đệm, rồi chiếu nhựa, chiếu công nghiệp, thảm các loại với giá rất rẻ đã đánh sập cái nghề gia truyền mấy trăm năm của làng chiếu Cẩm Nê.

Làng chiếu nhớ tiếng thoi đưa

Tôi đi khắp làng, ngang qua những xóm Ðùng, xóm Ðồng Khánh, xóm Bến Ðò, xóm Bến Bắc, xóm Dinh, xóm Làng... chẳng còn vang tiếng loạch xoạch của người làm chiếu nữa. Nhiều người già trong làng cũng đau đáu với cái nghề của cha ông, nhưng những áp lực từ “cơm, áo, gạo, tiền” khiến người làng chiếu lần lượt bỏ nghề. Ngày trước, cả làng Cẩm Nê có khoảng 200 hộ dệt chiếu mưu sinh, nhưng bây giờ chỉ còn một mình bà Dương Thị Thông (65 tuổi) là người cuối cùng trong làng còn dệt chiếu. 

Bà Thông là con gái của Nghệ nhân dệt chiếu Ngô Thị Thân, người đã có 70 năm làm nghề dệt chiếu. Bây giờ bà Thông chỉ thỉnh thoảng mới dệt chiếu khi có khách đặt hàng, hay khi có đoàn du lịch tới tham quan. Nguyện vọng duy nhất của bà Thông là giữ nghề cho đến khi không thể làm được nữa thì mới dừng lại.

Bà Thông cùng người bạn dệt chiếu.
Bà Thông cùng người bạn dệt chiếu.

Một dạo cách đây chừng gần 7 năm, huyện Hòa Vang và xã Cẩm Nê đã từng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để khôi phục làng nghề, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên liệu thiếu hụt, người dệt chiếu chẳng còn mặn mà khi thu nhập quá thấp, sức cạnh tranh của các loại chiếu công nghiệp khác là những nguyên nhân cốt lõi khiến người làng chiếu chẳng còn mặn mà với nghề. 

Chính quyền các cấp cũng định hướng việc làng chiếu Cẩm Nê được khai thác và phát triển theo hướng du lịch làng nghề, điều này sẽ mang đến hiệu quả kép như vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân qua dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống kinh tế.

Năm 2017, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cũng về Cẩm Nê tìm người có tâm huyết để khôi phục nghề dệt chiếu, nhưng những người dệt chiếu và bán chiếu nơi này đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, muốn dựng lại làng nghề phải đào tạo lớp thợ trẻ mới. Huyện Hòa Vang cũng đã lập phương án khôi phục làng nghề truyền thống để tạo sản phẩm phục vụ du lịch. Huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để cho người dân làng nghề làm lại mái che nhà xưởng, khung cửi; mua nguyên vật liệu, hỗ trợ nhân công, dạy nghề, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... 

Từ nguồn hỗ trợ, bà Thông mua lác từ miền Tây Nam Bộ về để làm chiếu, bà vận động 2 người nữa tham gia dệt chiếu, nhưng rồi làm được một thời gian ngắn rồi họ cũng nghỉ.

Bà Dương Thị Thông giới thiệu những đặc điểm khiến chiếc chiếu Cẩm Nê bền đẹp
Bà Dương Thị Thông (bên trái) giới thiệu những đặc điểm khiến chiếc chiếu Cẩm Nê bền đẹp

Bây giờ, bà Thông chỉ dệt chiếu khi có khách du lịch đến làng tham quan, khi có khách đặt hàng hoặc vào dịp tết. Bà vẫn thương vô cùng cái nghề của cha ông, nhưng bất lực bởi sự hiu hắt của làng nghề bây giờ. Bóng chiều hắt vào hiên nhà cũ. 

Bà Thông ngồi bên khung dệt cùng người bạn già dệt chiếu. Đôi tay thoăn thoắt bện những sợi cói đủ màu sắc, tiếng thoi đưa chậm rãi như nhịp thở của người già. Những sợi cói sợi lác nằm len lén bên hiên nhà đong đưa theo gió, như nói lên nỗi lòng  của người thợ dệt chiếu cuối cùng xứ Cẩm Nê. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.