Huyện Lâm Hà có 14 xã và 2 thị trấn với tổng số dân khoảng 36.458 hộ và 141.678 nhân khẩu; trong đó, 57 thôn/12 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Năm 2016, toàn huyện có 2.417 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,61%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 1.153 hộ, chiếm 17,12%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện có 882 hộ, chiếm tỷ lệ 2,28%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 408 hộ, chiếm tỷ lệ 5,85%.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, Chương trình 135 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ việc phân bổ, hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện đến đầu tư trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc... được đồng bộ cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện.
Cùng chúng tôi đi trên con đường nội thôn đã được bê tông hóa theo chuẩn nông thôn mới, ông K’Lành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phi Tô, xã Tân Thanh hồ hởi: “Là thôn khó khăn nhất của xã, Phi Tô có 99% người dân là đồng bào DTTS. Từ ngày được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường này, bà con phấn khởi lắm, việc đi lại, buôn bán, học hành... đều thuận lợi, không còn lo trơn trượt, lầy lội như trước kia”.
Thôn Phi Tô có 181 hộ, trên 800 nhân khẩu, số hộ nghèo chỉ còn 4 hộ. Phần lớn người dân vẫn dựa vào trồng cà phê để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đời sống bà con vùng đồng bào DTTS cải thiện, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã đầu tư giao thông nông thôn, xây dựng và bê tông hóa 2 km đường liên thôn để hỗ trợ xây dựng hoàn thành các công trình nước sạch, vệ sinh... Đồng thời, các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, nhằm thay đổi cách làm cũ... Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân của thôn là 30.000 đồng/người/năm.
Để nâng cao đời sống cho người dân, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, từ nguồn vốn nói trên, huyện Lâm Hà tăng cường hỗ trợ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Sau 5 năm, huyện Lâm Hà có 100% xã, thị trấn đã đáp ứng tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh và 100% các thôn đáp ứng tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; nhiều công trình kết cấu hạ tầng, công trình khai thác được đầu tư xây dựng,... Từ những điều kiện trên, Lâm Hà đã từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.
Xác định hạ tầng nông thôn còn khó khăn, huyện đã ưu tiên bố trí vốn về các thôn, xã làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số công trình công cộng. Trong giai đoạn 2016 -2020, vốn ngân sách Nhà nước phân bổ là 25.108 triệu đồng, Nhân dân đóng góp là 7.954 triệu đồng, thực hiện xây dựng 60 đường giao thông nông thôn và 5 nhà sinh hoạt cộng đồng; duy tu, sửa chữa 5 công trình đường giao thông nông thôn với tổng vốn là 1.506 triệu đồng.
Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà cho biết, để nguồn vốn Chương trình 135 được sử dụng minh bạch, đúng mục đích, lãnh đạo huyện chỉ đạo các cấp chính quyền cùng vào cuộc. UBND huyện cũng đã phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư công trình; các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ sản xuất đều có sự tham gia bàn bạc, góp ý, giám sát của người dân. Đồng thời, thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc phát sinh.
Ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đánh giá, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã giúp các địa phương giải quyết hai khâu thiết yếu là hạ tầng và sản xuất. Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn 2021-2025, trước hết phải xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa hình thức dạy nghề, nhất là dạy nghề cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập. Còn đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô dưới 500 triệu đồng, cần nghiên cứu giảm bớt thủ tục để đơn giản hóa quy trình đầu tư. Xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư đã xuống cấp, kể cả các công trình 135 giai đoạn 1.