Chúng tôi tới thăm khu chuồng trại rộng khoảng 160 m2 của Đinh Vộ được thiết kế khá bài bản, thoáng mát. Ở giữa là lối đi, hai bên là hai dãy chuồng được ngăn thành 10 ô khá rộng. Cột được đúc bằng bê tông cốt thép, tường bao xây chắc chắn, chống được khí hậu khắc nghiệt ở khu vực biên giới Việt - Lào. Nguồn nước dồi dào từ khe được dẫn về bể nước to của bản giúp Vộ vệ sinh thường xuyên cho khu chuồng trại.
Đinh Vộ chia sẻ: Tôi nuôi hơn 40 con lợn giống địa phương. Loại lợn này thịt ngon, thơm, ngọt và có khả năng chống chịu bệnh dịch tốt hơn các giống lợn các nơi khác. Lợn địa phương khá dễ nuôi vì chỉ ăn rau rừng, lá rừng, sắn, khoai… Hiện, tôi nuôi 5 con lợn nái, mỗi con đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa bình quân có 8 lợn con. Lợn giống đạt trọng lượng 11kg/con là tôi xuất chuồng. Riêng tiền bán lợn con mỗi năm tôi thu được khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài việc làm chủ khu chăn nuôi lợn quy mô, từ ngày anh về công tác tại xã, việc chăm sóc, chữa bệnh cho đàn trâu, bò, lợn của 18 bản trên địa bàn xã có nhiều thay đổi. Trâu bò, lợn ít bị bệnh do được chăm sóc kịp thời. Cán bộ thú ý của huyện ít khi phải lên các bản như trước.
“Đây là trách nhiệm với bà con, mình chỉ lấy tiền thuốc để tiêm cho gia súc những loại phải mua ngoài thị trường thôi. Với những người có nhu cầu về giống, kinh nghiệm, mình sẵn sàng giúp đỡ để cùng phát triển kinh tế”, anh Vộ chia sẻ.
Anh Đinh Vộ là một tấm gương ở bản Khe Rung bởi sự cần cù, chịu khó trong công tác xã hội và phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã học tập và làm theo anh Vộ và đã gặt hái được thành công bước đầu.
Ông Nguyễn Trường Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Chăn nuôi trâu, bò, lợn là hướng đi lâu nay của xã Thượng Trạch, là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, việc nuôi giống lợn địa phương bài bản, chăm sóc tốt như anh Đinh Vộ còn ít. Việc gắn kiến thức được đào tạo vào thực tế thôn bản như anh Đinh Vộ là rất đáng trân trọng, cần nhân rộng.