Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ nâng tầm thương hiệu an toàn sinh học cho đặc sản lợn Lũng Pù

Hoàng Quý - 23:35, 12/09/2021

Từ lâu, giống lợn đen Lũng Pù - đặc sản chỉ có ở 4 huyện vùng cao núi đá của Hà Giang đã nổi tiếng khắp gần xa nhờ chất lượng thịt thơm ngon. Để nâng tầm thương hiệu cho giống vật nuôi quý này, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp phát triển đàn lợn Lũng Pù, với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, các giải pháp về tiêu thụ, chế biến sản phẩm, phòng chống dịch bệnh…

Giống lợn đen Lũng Pù - Đặc sản ở cao nguyên đá Hà Giang
Giống lợn đen Lũng Pù - Đặc sản ở cao nguyên đá Hà Giang

Theo người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang, giống lợn đen Lũng Pù có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), được thuần hóa và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Trước đây, từng có tình trạng giống lợn này đối mặt với nguy cơ thoái hóa nhanh, do bị lai tạp và giao phối cận huyết dẫn tới giảm khả năng sinh sản.

Để gìn giữ nguồn giống và phát triển lợn đen thành thương phẩm, nhiều trang trại và Hợp tác xã (HTX) ở Hà Giang đã chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc phục hồi giống lợn này đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng năng suất, giá trị và giảm thiểu tối đa thiệt hại từ dịch bệnh.

Nổi bật nhất trong phong trào nuôi lợn Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học, phải kể đến HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc), vốn từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay đã trở thành HTX chăn nuôi lớn nhất ở huyện Mèo Vạc.

Theo ông Thèn Văn Dũng, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, thời điểm năm 2018, HTX được huyện Mèo Vạc, cũng như tỉnh Hà Giang đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn chọn lọc, nhân giống và phát triển giống lợn đen Lũng Pù. Giống lợn chất lượng cao này được nhập từ đầu mối của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Để bảo đảm cho việc phát triển đàn lợn, ông Dũng còn cẩn thận phân chia từng khu chuồng trại riêng biệt, như: Khu chăn nuôi, khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi, khu tắm rửa, khử trùng, khu thay quần áo cho người lao động, khu tập kết và xử lý rác thải, khu cách ly lợn ốm, khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm…

“Nhờ đó, trung bình mỗi năm HTX bán ra thị trường hàng nghìn con lợn đen Lũng Pù thương phẩm và lợn Lũng Pù giống chất lượng cao. Từ hoạt động chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng” ông Dũng phấn khởi chia sẻ.

Giống lợn đen Lũng Pù góp phần thay đổi cuộc sống người dân ở Mèo Vạc
Giống lợn đen Lũng Pù góp phần thay đổi cuộc sống người dân ở Mèo Vạc

Hay tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc), mô hình chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học cũng đang mang lại tín hiệu tích cực. Cụ thể từ năm 2019, có 5 hộ ở Cán Chu Phìn tham gia mô hình nuôi lợn đen Lũng Pù, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc và UBND xã Cán Chu Phìn thực hiện. Trong đó, có gia đình anh Vừ Mí Và, từ khi tham gia mô hình này, cuộc sống của gia đình anh đã có nhiều thay đổi tích cực. 

“Từ khi nuôi lợn Lũng Pù, gia đình tôi xuất bán được rất nhiều lứa lợn giống. Mỗi con lợn nái bình quân 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con, giá mỗi con lợn giống khoảng 1,8 - 2 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình tôi còn thu được khoảng 50 triệu đồng/năm” anh Vừ Mí Và phấn khởi nói.

Đoàn cán bộ Khuyến nông tham mô hình nuôi lợn ở Mèo Vạc
Đoàn cán bộ Khuyến nông tham mô hình nuôi lợn ở Mèo Vạc . (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021))

Hiện, toàn huyện Mèo Vạc có hơn 33.000 con lợn Lũng Pù, với trên 11.000 hộ chăn nuôi. Càng vui mừng hơn đối với người chăn nuôi, là sản phẩm "Thịt lợn đen Lũng Pù Mèo Vạc" đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh.

Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết, huyện đã và đang đề ra nhiều giải pháp phát triển đàn lợn Lũng Pù, với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, đặc biệt là các giải pháp về tiêu thụ, chế biến sản phẩm, phòng chống dịch bệnh... 

Mục tiêu phát triển giống lợn đen Lũng Pù đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu đạt trên 51.000 con, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Đặc biệt, hình thức nuôi tập trung và sử dụng công nghệ khoa học giúp người dân bảo đảm được phát triển chăn nuôi bền vững hơn./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.