Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Anh Teo "mô hình" của đồng bào Pa Cô

Phạm Tiến - Linh Tuệ - 07:03, 25/12/2022

Anh Teo “mô hình” là biệt danh mà đồng bào Pa Cô khi nhắc đến anh Nguyễn Hải Teo, ở xã Quảng Nhâm (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Bởi anh là người liên tiếp xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo hiệu quả, được nhiều hộ dân học làm theo. Như mô hình trồng chuối; mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học... những mô hình này đang mở ra một hướng mới để cùng đồng bào trên địa bàn học hỏi vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Hải Teo với mô hình trồng chuối cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện vùng biên A Lưới (Thừa Thiên Huế)
Anh Nguyễn Hải Teo với mô hình trồng chuối cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện vùng biên A Lưới (Thừa Thiên Huế)

Đưa cây chuối trở thành cây thoát nghèo cho người Pa Cô

Rẽ vào đường lớn đầu xã Quảng Nhâm (A Lưới, Thừa Thiên Huế) là trang trại 2ha của gia đình anh Nguyễn Hải Teo. Ngoài hàng chục gốc bưởi da xanh, vườn chuối xanh mướt, sâm Bố Chính….còn có trang trại lợn hữu cơ an toàn sinh học. Có được cơ ngơi như hôm nay,  là cả một quá trình học hỏi kinh nghiệm và lao động chăm chỉ của anh Teo và các thành viên trong gia đình.

Năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên Nguyễn Hải Teo trở về địa phương lập gia đình và làm kinh tế. Cựu binh Nguyễn Hải Teo cứ loay hoay với suy nghĩ “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Cuối năm 2018, anh Teo đã có một quyết định táo bạo đưa cây chuối già lùn về Quảng Nhâm để trồng, với quy mô lớn. 

Quyết định này đã gây bất ngờ cho người dân địa phương và bất ngờ ngay cả với các thành viên trong gia đình anh. Thế như chính cây chuối đã làm cho kinh tế gia đình anh khấm khá, không những thế, từ mô hình của anh, cây chuối lùn già cũng trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người Pa Cô ở vùng biên A Lưới.

Để phát triển vườn chuối quy mô và đúng kỹ thuật, anh Teo đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi và dốc hết số tiền tiết kiệm, với tổng hơn 500 triệu đồng để mua giống, đúc cột, làm hàng rào kiên cố để trồng chuối đúng quy trình khoa học kỹ thuật

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Hải Teo cho biết: “ Cái quan trọng là chịu khó chăm sóc, nhất là vun gốc, bón phân để cây mẹ đẻ cây con. Lứa đầu tiên thu hoạch từ cây mẹ, nhưng những lứa sau sẽ thu hoạch gấp rưỡi, gấp đôi nhờ cây mẹ đẻ nhiều cây con”

Anh Teo “ Mô hình” bên đàn lợn mới tách mẹ trong trang trại của gia đình mình
Anh Teo “ Mô hình” bên đàn lợn mới tách mẹ trong trang trại của gia đình mình

Chuối già lùn trồng sau 10 tháng là cho thu hoạch. Để chuối đạt năng suất và chất lượng cao, nải đẹp, đều, to và ngọt thì công tác chăm sóc, nhất là bón phân luôn được anh chú trọng thực hiện kỹ càng. Nhờ đó mà mỗi buồng anh trồng nặng hơn 30kg, bán sỉ trên dưới 100 ngàn đồng. Tất cả chuối sau thu hoạch đều được hợp tác xã thu mua, nên đầu ra luôn ổn định.

Từ mạnh dạn đi đầu trồng chuối với quy mô lớn gia đình anh Teo đã nhận được “quả ngọt”. Tiền thu hoạch chuối vụ đầu anh lại đầu tư trồng tiếp thêm 1.000 gốc chuối. Sau hơn 4 năm gắn bó với cây chuối, cây không phụ công người chăm, vườn chuối của anh Teo luôn phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao, lãi hơn 100 triệu/năm. Hiện anh không những trả “ngót” nợ, mà còn có tiền đầu tư mở rộng quy mô vườn tược, trồng thêm bưởi da xanh, nuôi gà, bò...

Từ mô hình trồng chuối trực quan ở gia anh Nguyễn Hải Teo, phong trào trồng chuối đã lan rộng khắp toàn huyện A Lưới với hơn 400ha. Cây chuối đã trở thành cây chủ lực thoát nghèo cho đồng bào DTTS ở huyện vùng biên A Lưới. Chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển diện tích, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đúng định hướng. 

Cùng với đó, những chính sách như quảng bá thương hiệu để phát triển đầu ra nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cũng đã được triển khai. Năm 2019 là một dấu mốc quan trọng cho thương hiệu chuối lùn già A Lưới khi sản phẩm này được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới: Hiện nay, các phòng, đơn vị chức năng của huyện đang tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, các siêu thị, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm và tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử hàng nông sản để thương hiệu chuối già lùn A Lưới vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh và cả nước.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới tham quan mô hình trồng chuối trên địa bàn huyện
Chủ tịch UBND huyện A Lưới tham quan mô hình trồng chuối trên địa bàn huyện

Đi đầu nuôi lợn sinh học

Tiếp nối thành công từ mô hình cây chuối, Năm 2020 gia đình anh Teo “ mô hình”, được Ủy ban nhân dân huyện A Lưới và Tập đoàn Quế Lâm tin tưởng, chọn để xây dựng mô hình chăn nuôi hữu cơ thí điểm.

Anh Teo “ mô hình” nói, cứ được chọn là anh làm. Theo đó, anh Nguyễn Hải Teo lên đường ra trụ sở Tập đoàn Quế Lâm học tập quy trình đào tạo kỹ thuật và thực hành tay nghề chăn nuôi lợn hữu cơ. Các công đoạn chế biến thức ăn ở tổ hợp, xây dựng chuồng trại, cách phòng chống dịch bệnh; cách chọn nái, phối tinh…, anh Teo đều tìm hiểu nghiêm túc và thực hành ngay trong đợt tập huấn.

Sau khi ký hợp đồng với công ty, vợ chồng anh Nguyễn Hải Teo vay mượn thêm, đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mẫu nuôi lợn nái, lợn thịt, trang thiết bị hệ thống quạt phun sương… Tháng 8/2021, Công ty đã đưa lợn 8 nái và 60 lợn thịt cho anh Teo nuôi, cấp giấy chứng nhận hữu cơ mở ra cho gia đình anh một thử thách mới trên con đường làm giàu .

Có kỹ thuật trong tay, anh tự tin chăm nuôi đàn lợn. Đến thời điểm này, gia đình anh xuất được 4 tấn lợn hơi, sản xuất trên 100 lợn con. Tập đoàn Quê Lâm đầu tư đầu vào, giống thức ăn chế phẩm, thu mua đầu ra giá ổn định cao hơn thị trường. Lợn con xuất đạt 13-15kg/con, lợn thịt phát triển tốt. Quy trình chăn nuôi được anh thực hiện nghiêm túc, nhất là việc chăn nuôi phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không để dịch bệnh xayur ra…

Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, chuối già lùn ở huyện A Lưới đã trở thành cây thoát nghèo cho đồng bào DTTS
Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, chuối già lùn ở huyện A Lưới đã trở thành cây thoát nghèo cho đồng bào DTTS

Chăn nuôi và trồng trọt, gia đình anh Nguyễn Hải Teo có thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ năm. Có thu nhập ổn định, đời sống của gia đình anh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, mô hình trồng chuối hiệu quả, đến nay phong trào trồng chuối đã lan ra toàn huyện. Mô hình trồng chuối, mô hình nuôi lợn sinh học cũng đã trở thành mô hình thoát nghèo của nhiều hộ dân ở tại địa phương. Đồng thời, cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả để anh Teo và đồng bào Pa Cô ở A Lưới vươn lên làm giàu.

Nói về nông dân Nguyễn Hải Teo, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: "Nguyễn Hải Teo là điển hình cho những con người có cái nhìn tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. “Dám nghĩ, dám làm và luôn có hướng về mục tiêu mới. Huyện A Lưới rất cần có những con người như vậy để lan tỏa, tạo ra nền nông nghiệp an toàn, bền vững, giá trị cao”.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.