Hiệu quả bước đầu
Diện tích trồng chuối của anh Hồ Văn Quân, ở thôn Kê 1, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) do cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Hồng Vân giới thiệu, thật ấn tượng. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông về quy trình sản xuất và sự giúp đỡ ngày công của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), gia đình anh Quân đã mạnh dạn trồng 1,1ha chuối già lùn. Anh Quân chia sẻ, số diện tích này năm sau sẽ cho thu hoạch, dự tính gia đình sẽ có nguồn thu gần 70 triệu đồng mỗi năm...
Hiện tại, xã Hồng Thủy có hơn 40% số hộ chuyển đổi vườn đồi trồng cây chuối già lùn. Các hộ đều được BĐBP hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng trái. ĐBP Cửa khẩu Hồng Vân còn đầu tư mô hình điểm để bà con học tập. Qua đó, các hộ đã mạnh dạn làm theo, bình quân mỗi hộ trồng 5 - 7 sào chuối già lùn, cho thu hoạch đạt hiệu quả.
Trung tá Nguyễn Xuân Cường, cán bộ ĐBP Cửa khẩu Hồng Vân tăng cường về xã Hồng Thủy, tâm sự: Từ khi có chủ trương của Huyện ủy A Lưới về phát triển chuối hàng hóa, để giúp đồng bào DTTS phát huy hiệu quả cây trồng này, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, cán bộ Biên phòng cắm xã của Đồn đã trở thành những “khuyến nông viên” bám cơ sở vận động bà con. Anh em phải học tiếng đồng bào, học làm cán bộ khuyến nông, tìm hiểu các quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm để bà con học tập, nhân rộng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy A Kơ Tiến, những năm trước đây, chuyện cây chuối trở thành cây trồng mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao là điều mà bà con ở xã chưa từng nghĩ đến. Nay, hỏi về giá trị của cây chuối, đa số người dân đều có chung quan điểm là cây xóa nghèo của bà con. Đây là thành quả từ việc phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy địa phương và cấp ủy ĐBP nhằm lựa chọn nội dung phù hợp trong công tác dân vận đối với bà con DTTS ở vùng biên này.
Hướng đến sản phẩm OCOP
Huyện A Lưới hiện có khoảng hơn 387 ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn 116 ha được trồng tập trung tại các xã Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Thủy. Hiện nay, huyện cũng đang phát triển thêm tại xã Quảng Nhâm, Phú Vinh và một số địa phương khác trên địa bàn huyện; đặc biệt là dự án thanh niên khởi nghiệp của huyện với trên 2.000 gốc chuối già lùn cho các hộ gia đình thanh niên khởi nghiệp.
Để phát triển cây chuối già lùn, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế và các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và năng suất cao.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, hiện nay năng suất chuối già lùn đạt khoảng 280 tạ/ha, cho thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/1ha; nhờ trồng chuối mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, đặc biệt có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây chuối già lùn này.
Từ kết quả bước đầu của sản phẩm nông sản chuối già lùn A Lưới, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhằm phát huy tiềm năng của vùng đất gò đồi, nhiều năm qua huyện đã phối hợp với các ngành liên quan để khảo sát làm sao chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần cho công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Có thể khẳng định rằng, chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa và khẳng định được thương hiệu là bước đi đúng của huyện trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh./.