Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lên non trồng chuối

PV - 16:14, 10/09/2018

Theo tuyến Tỉnh lộ 677 từ xã Đăk Ruồng-Đăk Kôi, đến đoạn thôn 1, xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy, Kom Tum), nhìn về hướng Tây, sẽ nhìn vườn chuối mốc xanh tươi trải dài gần kín cả một sườn đồi. Đó là rẫy chuối của ông Phan Mộng Hùng.

Nuôi mộng và làm giàu từ chuối

Vẫn đặc chất giọng người Bình Định, ông Hùng bảo tôi cứ tự nhiên đi dạo vườn chuối và xem các cây trồng khác trong vườn tùy thích.

Gắn bó với cây chuối và làm giàu nhờ cây chuối, nhưng việc lên non trồng chuối của ông Hùng gần như là một cái duyên. Ông Hùng kể: Hồi còn ở quê, nghe một lão nông khuyên con cháu rằng, cây chuối ít tốn công chăm sóc và không mất mùa như các cây trồng khác. Người Việt ta ngoài mua chuối về ăn, còn mua chuối về cúng gia tiên, thần Phật. Trồng chuối sẽ không sợ ế ẩm.

Vườn chuối của ông Hùng. Vườn chuối của ông Hùng.

“Khu đất trồng chuối này là của người con trai làm nghề xây dựng mua với ý định trồng đào lộn hột, nhưng khi đến đây nhìn thấy đất đồi có nhiều sỏi và dốc, nhớ lại lời lão nông khi xưa, tôi khuyên con chuyển hướng sang trồng cây chuối mốc”, ông Hùng bộc bạch. Đúng như dự kiến, đất sỏi, dốc dễ thoát nước, phù hợp với cây chuối mốc nên cây chuối phát triển nhanh.

Sau gần 3 năm đầu tư trồng chuối, đến nay, ông Hùng phát triển được 5,5ha chuối, trong đó có 3ha chuối trồng từ những năm đầu đi vào kinh doanh và 2,5ha liên kết trồng trên đất của người dân trong vùng. Ở diện tích chuối đi vào kinh doanh, cây nào cũng có quả. Bình quân, mỗi buồng chuối trong vườn nhà ông có ít nhất từ 7-8 nải chuối.

Khi hỏi trồng chuối nhiều, việc tiêu thụ chuối gặp khó khăn không, ông Hùng thật lòng cho biết đầu ra không khó. Ông bảo, có nhiều người ở TP. Kon Tum hỏi mua, không có chuối để bán. Gia đình chỉ bán cho người quen thu mua chuối lâu nay. Với 3ha chuối đi vào kinh doanh, hàng tháng gia đình thuê người cắt chuối bán 2 lần (lần vào dịp gần ngày mồng một và lần vào gần ngày rằm trong tháng). Mỗi lần bán khoảng 75 buồng chuối.

Theo lời ông, với giá chuối bán ngày thường bình quân 8.000 nghìn đồng/nải, tính ra, mỗi buồng chuối ông kiếm được khoảng từ 56.000-64.000 đồng. Bên cạnh việc bán quả chuối, hàng tháng ông còn bán khoảng 150 bắp chuối (hoa chuối). Bắp chuối, người mua tự cắt và trả tiền 2 nghìn đồng/bắp chuối.

Với những gì ông tiết lộ ở trên, tính ra bình quân hàng tháng ông thu được khoảng 10 triệu đồng từ tiền bán chuối và bắp chuối. Ngoài chuối ông còn có nhiều sản phẩm phụ như đậu xanh, đậu đen trồng xen trong vườn cây mỳ, mít, mảng cầu, sầu riêng… Chỉ riêng đậu xanh, đậu đen ông nói thật là hàng năm thu khoảng 1 tấn, bán được khoảng 40 triệu đồng. Đó là chưa kể ông còn có thêm nguồn thu hoạch mỳ và trái mít Thái Lan trong vườn. Bình quân hàng tháng ông thu được khoảng 10 triệu đồng từ tiền bán chuối và bắp chuối.

Không chỉ cho riêng mình

Người dân trong vùng chứng kiến ông làm giàu nhờ cây chuối, nhiều người cũng học theo trồng chuối.

Không giấu nghề, ông thường chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật với người dân địa phương trồng chuối. Ông khuyên bà con tỉa thưa và bón phân vào bụi chuối.

“Năm trước, gia đình tôi trồng chuối, nhưng do trồng dày, cây chuối ra nải quả nhỏ, bán không ai mua. Bác Hùng hướng dẫn kỹ thuật, gia đình làm theo. Vườn chuối của gia đình bây giờ nải quả to, người mua không chê nữa. Gia đình tôi cảm ơn bác Hùng nhiều lắm!”-A Năng (thôn 1, xã Đăk Tơ Lung) trải lòng.

Đối với một số hộ có đất nhưng không có điều kiện đầu tư trồng chuối, ông Hùng liên kết trồng chuối. Các hộ này góp đất, ông thuê máy đào hố, đầu tư phân bón và cây chuối giống. Khi chuối cho quả, số tiền bán chuối thu được chia đôi.

Theo ông Hùng, chuối là cây dễ trồng, nhưng để trồng chuối hiệu quả, tùy theo từng loại đất mà tính toán hố đào trồng chuối cho phù hợp. Nếu đất tốt, đào hố cách hố 4m; đất xấu đào hố cách hố 3,5m. Trước khi trồng, bón mỗi hố khoảng 2,5 lạng phân NPK đầu trâu. Trồng khoảng 7-8 tháng sau, cây chuối cho quả và phát triển thành bụi chuối. Mỗi bụi chuối để từ 3-4 cây chuối con quanh cây mẹ. Khi thu hoạch buồng chuối mẹ, cắt bỏ cây chuối mẹ đi để cây con phát triển. Cứ thể, bụi chuối luôn có cây chuối nối nhau cho quả.

Khi bàn về việc phát triển cây chuối ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung cho biết: Ông Hùng là người có công đầu trong việc phát triển cây chuối, đem lại thu nhập khá. Từ sự thành công đó, xã đã vận động người dân làm theo, đến nay, toàn xã đã phát triển được 30ha chuối. Cây chuối đang là một trong những cây trồng quan trọng được người dân lựa chọn phát triển kinh tế và làm giàu ở địa phương.

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.