Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lại thêm một mùa dưa không ngọt

Thùy Dung - Lê Hường - 11:53, 12/02/2020

Hàng trăm tấn dưa hấu của nông dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên Gia Lai thuê đất trồng không bán được, hoặc bán với giá rẻ mạt chỉ 500 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ, không ít người đứng trước nguy cơ mất trắng. Để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, nhiều cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh đang chung tay giải cứu dưa hấu.

Dưa hấu được nhiều tổ chức, cá nhân giải cứu đưa đi các địa phương khác tiêu thụ
Dưa hấu được nhiều tổ chức, cá nhân giải cứu đưa đi các địa phương khác tiêu thụ

Khóc ròng với dưa

Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá dưa những năm gần đây tăng cao, nông dân từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định đã lên các huyện Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa, Kong Chro (Gia Lai) thuê đất trồng dưa hấu.

Năm 2018 gia đình anh Nguyễn Thanh Phúc, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã “cắm” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và gom tất cả vốn liếng trong nhà được 500 triệu đồng lên thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) thuê 3ha đất trồng dưa. Mỗi ha dưa đầu tư khoảng 150 - 180 triệu đồng, sản lượng 40 - 50 tấn. “Nếu dưa được 3.000 đồng/kg thì mới thu hồi được vốn đầu tư, nhưng giá cả như hiện nay mỗi ha âm gần 1/3 số vốn đầu tư rồi”, anh Phúc buồn bã nói.

Tương tự, cánh đồng dưa tại thôn Bônsômơlơng xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện (Gia Lai) sai trĩu quả nhưng không có người mua. Ông Nguyễn Quốc Doanh, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết ông phải “cắm” sổ đỏ của gia đình vào ngân hàng để lấy 300 triệu đồng tiền mặt đi trồng dưa. Riêng tiền thuê đất đã mất 60 triệu đồng, còn tiền giống, phân bón, công chăm sóc… mà giờ chẳng ai hỏi mua. Ông không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng.

Theo số liệu thống kê từ hai huyện Ia Pa và Krông Pa, trong vụ Đông - Xuân 2019 - 2020, huyện Ia Pa có 416ha dưa, huyện Krông Pa có 608ha dưa. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết: Hầu hết chủ dưa là ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên thuê đất trồng. Chủ yếu là trồng tự phát và đầu ra là bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc. Vì thế, khi thị trường Trung Quốc bế tắc, thì người trồng dưa điêu đứng.

Chung tay giải cứu dưa hấu

Sau khi thông tin về dưa hấu tại các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai bị rớt giá 500 đồng/kg khiến người rất nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước đã trực tiếp đến tận ruộng dưa để mua giúp bà con. Hàng chục tấn dưa được “giải cứu” đã khiến giá dưa tăng gấp 2 - 3 lần.

Tại Gia Lai, HTX Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai cũng đã mở 9 điểm bán dưa tại TP. Pleiku và sẽ tiếp tục mở rộng điểm bán ra các vùng lân cận. Theo đó, trong ngày 6/2, HTX đã mua gần 10 tấn, với giá 3.000 đồng/kg. Trong ngày 7/2, HTX đã tiếp tục đẩy mạnh thu mua dưa hấu cho người dân với gần 10 tấn. Bà Hoàng Anh, thành viên HĐQT HTX cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi cách giúp nông dân tiêu thụ dưa. Tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, HTX sẽ thu mua cho người dân với giá cao nhất có thể”.

Hệ thống siêu thị Co. opmart Gia Lai cũng đã ưu tiên mua giúp dưa hấu cho bà con. Chỉ trong 2 ngày, hệ thống siêu thị và kênh bán hàng của Co. opmart Gia Lai đã thu mua gần 60 tấn dưa hấu cho người dân, với giá thu mua là 3.900 đồng/kg. Ông Bùi Quốc Bình, Giám đốc siêu thị Co. opmart Gia Lai cho biết: Nếu tiêu thụ hết, Co. opmart sẽ tiếp tục thu mua cho người dân. Với phương châm chung tay vì người dân trồng dưa, chúng tôi sẽ bán dưa không lợi nhuận. Theo đó, giá bán tại siêu thị vẫn là 3.900 đồng/kg, bằng với giá mua tại ruộng dưa.

Không riêng Gia Lai, người trồng dưa tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon tum, Đăk Lăk cũng đang rơi vào cảnh tương tự.