Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Nông dân phải làm gì khi mía liên tục rớt giá?

PV - 10:32, 12/03/2019

Trong thời gian gần đây, người trồng mía ở Thanh Hóa vô cùng lo lắng bởi cây mía liên tục rớt giá. Hiện không ít hộ đã bỏ nhiều diện tích trồng mía và loay hoay chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, ý kiến của các cơ quan chuyên môn cho rằng, đây không phải là giải pháp tốt, mà cần có sự thay đổi tích cực hơn về tư duy sản xuất.

Thạch Thành là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 4,500ha. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm sâu khiến người dân không còn mặn mà với loại cây trồng truyền thống này. Với giá thu mua mía bình quân chỉ còn từ 750 - 850 nghìn đồng/tấn như hiện nay. Tính ra, trừ chi phí, công thu hoạch, vận chuyển thì người nông dân chẳng còn lời lãi, thậm chí lỗ vốn nếu gặp thiên tai....

Giá mía giảm sâu, người nông dân chịu thiệt thòi. (Trong ảnh người dân Thạch Thành đang thu hoạch mía) Giá mía giảm sâu, người nông dân chịu thiệt thòi. (Trong ảnh người dân Thạch Thành đang thu hoạch mía)

Ông Hà Anh Đạo, dân tộc Thái ở thôn Tượng Phong, xã Thạch Tượng, cho biết: chưa bao giờ cây mía lại rớt giá thê thảm như vậy. Gần 5ha mía của gia đình ông niên vụ năm 2017-2018 được bán với giá trung bình từ 950.000 đồng/tấn, trừ chi phí có lãi trên 80 triệu đồng. “Năm nay, giá mía chỉ còn 750.000 đồng/tấn, trong khi nhiều chi phí bị tăng lên. Dù có bán hết được số mía trừ chi phí thì nguy cơ vẫn bị lỗ.

Trong thôn cũng có nhiều hộ như vậy, chúng tôi đang dự tính chặt bỏ không trồng mía và thay đổi cây trồng khác. Nhưng cũng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Chúng tôi đang trông vào sự hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn của địa phương”, ông Đạo cho hay.

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cũng nhìn nhận, giá mía vài năm trở lại đây liên tục giảm, nên nhiều hộ dân tại khu vực miền núi xứ Thanh đã không còn mặn mà với cây mía. Tuy nhiên, các gia đình đang lúng túng chưa biết chuyển đổi cây trồng gì cho hiệu quả; chưa kể nếu chuyển đổi người dân lại đối mặt với nguồn vốn đầu tư.

Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có diện tích cây mía lớn, niên vụ ép 2017-2018, toàn tỉnh có khoảng hơn 25 nghìn héc ta, với năng suất bình quân đạt 59,48 tấn/ha, giá mía khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tấn. Bước sang niên vụ ép 2018-2019, diện tích cây trồng này đã giảm xuống còn hơn 24 nghìn héc ta (giảm hơn 900ha).

Tuy nhiên, với tình trạng giá mía tiếp tục giảm, trong khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng, các hộ trồng mía sẽ phải tạm chia tay với loại cây trồng vốn được xác định là cây trồng chủ lực về kinh tế. Việc này đồng nghĩa với việc, cuộc sống của người nông dân nơi đây sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và loay hoay với việc làm gì để sống.

Thực tế này, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành liên quan cần tập trung, nghiên cứu sớm có giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc tổ chức tính toán lại việc sản xuất, phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù địa lý thổ nhưỡng, khí hậu và phong tục tập quán canh tác của đồng bào.

Trước mắt với cây mía, là cây trồng đã phù hợp với đồng đất nơi đây, thì cán bộ chuyên ngành cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn bà con đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng mía để tăng sản lượng, chất lượng; xây dựng cánh đồng mẫu lớn đưa cơ giới hóa vào hỗ trợ trồng, chăm sóc, thu hoạch mía… nhằm giảm chi phí mang lại hiệu kinh tế cho hộ trồng mía. Chính quyền địa phương cần tiếp tục kết nối doanh nghiệp sản xuất mía đường với người trồng mía để có “tiếng nói chung” nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của đôi bên.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần vận động người dân không nên bỏ cây mía, mà chỉ giảm một phần diện tích đất, tăng gia sản xuất với các loại cây trồng, vật nuôi khác để có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống. Có như vậy, người nông dân mới không bị động khi đối mặt với khó khăn của thị trường, và ngành mía đường tại Thanh Hóa mới có thể phát triển bền vững.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.