Liên kết sản xuất để phát triển
Từ năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (HTX Bình Lư), tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, đã mạnh dạn liên kết các hộ sản xuất miến dong mang thương hiệu “Miến dong Bình Lư”. Sau 4 năm triển khai mô hình HTX, hàng chục hộ dân làm nghề sản xuất miến nhỏ lẻ, đã được quy tụ lại để sản xuất dây chuyền theo tiêu chuẩn VietGap và sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao từ năm 2020.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Bình Lư cho biết: Hằng năm, HTX đều nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về vốn vay, các thủ tục hành chính, mở rộng vùng nguyên liệu từ vài chục ha ban đầu lên hằng trăm ha, sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong/năm.
Nhờ có tư cách pháp nhân là HTX, miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
“Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bình Lư. HTX đặt mục tiêu phấn đấu nâng cấp miến dong Bình Lư thành sản phẩm OCOP 5 sao; đưa lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu”, ông Ánh chia sẻ.
Theo ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường: Thời gian qua, các HTX trên địa bàn đã quy tụ được gần 500 thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 -5 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, các HTX đã xây dựng được 10 sản phẩm đạt OCOP, đưa được nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: miến dong, chè, cá nước lạnh, gạo cao sản... Từ kinh tế HTX, nhiều nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình.
Tại huyện Nậm Nhùn, nhiều năm nay, HTX Nậm Hàng đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư vốn phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, với quy mô chăn nuôi từ 70-100 con trâu, bò.
Ông Lò Văn Trường, Giám đốc HTX Nậm Hàng cho biết: HTX xây dựng quy định nghiêm ngặt từ việc lựa chọn con giống, thuốc thú y, thức ăn và quy trình chăn nuôi khép kín, bảo đảm cho đàn trâu, bò sinh trưởng, phát triển tốt. Hằng tháng, HTX duy trì việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 4 -5 triệu đồng.
"Thời gian tới, HTX dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi khoảng 100 con trâu, bò, lúc đó sẽ cần thêm nhân công giải quyết được việc làm cho nhiều bà con địa phương. HTX mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm giúp đỡ về vốn để HTX ngày phát triển bền vững", ông Trường cho hay.
Toàn huyện Nậm Nhùn hiện có 20 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với tổng mức vốn góp gần 37,9 tỷ đồng, có 370 thành viên tham gia. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, nhưng với sự chủ động, các HTX đã mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình hoạt động phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.
Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, các HTX trên địa bàn đã có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế của huyện; tạo ra sản phẩm có giá trị, mang lại việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ HTX phát triển của Trung ương, của tỉnh, huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, giúp các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tín dụng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu… giúp các HTX phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng và là đòn bẩy để hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP.
“Chúng tôi khuyến khích phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các HTX, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước để phát huy hiệu quả hoạt động của các HTX. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với HTX về thuế, tín dụng, đất đai; tạo điều kiện cho HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, ông Sơn chia sẻ.
Chính quyền đồng hành để HTX phát triển
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: Với các chính sách hỗ trợ rất thiết thực, đến nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thâm canh theo hướng hàng hóa về lúa, chè, quế, sơn tra, cây ăn quả ôn đới. Những sản phẩm này, bước đầu thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư, liên kết. Từ đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nông dân. Các chính sách nông nghiệp bước đầu tạo chuyển biến trong chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng có kiểm soát; người dân chủ động hơn trong sản xuất, giảm sự trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung”.
Có thể thấy, trong thời gian qua, các mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang thể hiện đây là hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết các HTX hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm, thu nhập cho bà con nông dân, góp phần nâng cao vị thế và giá trị nông sản trên thị trường.
Được biết, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX vay vốn, phát triển sản xuất. Hiện, toàn tỉnh Lai Châu có 198 lượt HTX vay vốn, với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn, đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá, nguồn vốn vay đều được các HTX sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Lợi nhuận bình quân của các HTX tăng 5%/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên và người nông dân.
“Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm giúp các HTX trên địa bàn phát triển. Qua đó, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế HTX”, ông Bùi Xuân Thu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 290 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ thương mại, xây dựng, vận tải… với tổng số vốn gần 898 tỷ đồng. Các HTX đã phát huy tốt vai trong phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Một số HTX khi được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả bước đầu; chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.