Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lâm Đồng: Tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy kinh tế Hợp tác xã phát triển

Minh Thu - 09:19, 21/09/2022

Bước vào năm 2022, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ở Lâm Đồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay, bởi HTX không có tài sản thế chấp; việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng nên một số HTX nông nghiệp không có mặt bằng để xây dựng trụ sở và các công trình phụ trợ… Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ.

Lâm Đồng phát triển được 182 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Lâm Đồng phát triển được 182 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Nhiều rào cản nội tại

Từ hơn 10 năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (HTX Tân Tiến), phường 12, TP. Đà Lạt, là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau. Hiện, HTX có 20 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 30ha, cùng 60ha của hộ liên kết; trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn rau các loại.

Nhưng “cái khó bây giờ là giá các loại chi phí đầu vào quá cao. Cùng với đó, HTX khó tiếp cận các dự án hỗ trợ nông nghiệp, phần ứng dụng công nghệ cao phần lớn các thành viên phải tự xoay xở… Để tháo gỡ những khó khăn này, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước”, ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến bày tỏ.

Đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình, ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt (TP. Đà Lạt) cho biết: 6 năm trước, anh đã tự nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống phần mềm điều khiển trang trại từ xa, giúp chủ trang trại, người sản xuất quản lý vườn hiệu quả, thực hành canh tác chính xác; Từ đó, tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

 Đến nay, toàn bộ diện tích rau thủy canh của 10 thành viên HTX đều được tổ chức sản xuất theo quy trình, công nghệ thông minh, vừa bán sỉ cho các đầu mối phân phối, cung cấp các nhà hàng trong nước và bán lẻ đến người tiêu dùng trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Nhưng, điều khiến Giám đốc HTX Thủy canh Việt băn khoăn hiện nay, là khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển; chưa tiếp cận được vốn vay tín chấp theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc hỗ trợ của Nhà nước trong quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử còn hạn chế...

Bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP ở HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh (Ảnh minh họa).
Bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP ở HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh (Ảnh minh họa).

Cùng ý kiến, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt chia sẻ thêm: Điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu Đà Lạt rất phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giấc mơ về “vựa rau quốc tế Đà Lạt” hoàn toàn có triển vọng lớn, khi nhiều cánh cửa hội nhập đã mở.

 "Tuy nhiên, chúng ta phải "gỡ" những rào cản nội tại về quỹ đất, chính sách vay vốn, quy định tài sản thế chấp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. HTX đang mở rộng đầu tư một số lĩnh vực, việc huy động vốn đầu tư không khó, chỉ khó về quỹ đất”, ông Thạch thông tin.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách mở đường

Có thể nói, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trên cả nước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và có số lượng nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua thực tế, địa phương xác định, phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu mặt bằng, khó tiếp cận các dự án hỗ trợ nông nghiệp, tỉ lệ HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thấp, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất kinh doanh của nhiều HTX còn hạn chế.

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xây dựng Mô hình HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị bền vững (Ảnh: Văn Việt).
Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xây dựng Mô hình HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị bền vững (Ảnh: Văn Việt).

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng: Để phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế tập thể, HTX, Tổ hợp tác, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Đạ Tẻh sẽ quan tâm hơn trong việc bố trí quỹ đất để các HTX, Tổ hợp tác được thuê đất mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển. Tuy nhiên, mỗi HTX và Tổ hợp tác cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên.

“UBND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, thành viên và người lao động về vai trò, vị trí, bản chất, tính ưu việt của HTX. Bên cạnh đó, nghiên cứu khảo sát các mô hình có hiệu quả, xây dựng mô hình ở huyện gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm. Đồng thời, khuyến khích các HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất...”, ông Minh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng: Thời gian qua, nhiều HTX, Tổ hợp tác nông nghiệp thành lập từ nhu cầu thực tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ gia đình, đã giúp nông dân cùng hợp tác, giúp đỡ nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn. Nhiều mô hình đã tổ chức được chuỗi liên kết với các HTX, doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho tổ viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Tuy đạt được những kết quả, nhưng hiện nay các HTX cũng gặp không ít khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năng lực trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh của HTX còn hạn chế. Nhiều HTX cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhưng theo quy định thì hầu hết không đủ điều kiện để được tiếp nhận đầu tư, hỗ trợ (đất xây dựng, vốn đối ứng, doanh thu...). Việc chuyển đổi đất để xây dựng trụ sở và các công trình khác (sân phơi, kho chứa, kho sấy nông sản...) còn gặp nhiều khó khăn…

“Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, chúng tôi vẫn bố trí một phần kinh phí để tiếp tục thực hiện mở rộng và phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang đề nghị, tỉnh Lâm Đồng ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tồn tại để phát triển HTX bền vững”, ông Châu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.