Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để các HTX phát triển bền vững

Nhật Minh - 16:34, 16/09/2022

Công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của các hợp tác xã khi góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động. Đối với các hợp tác xã (HTX), trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất giúp giảm chi phí, mang lại năng suất cao cho các HTX. (Ảnh TTXVN)
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất giúp giảm chi phí, mang lại năng suất cao cho các HTX. (Ảnh TTXVN)

Thời gian 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, không ít doanh nghiệp, HTX rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài được xem là một “phép thử”, giúp tăng khả năng ứng biến linh hoạt của hợp tác xã.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, HTX Nấm Tam Đảo là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Với diện tích sản xuất 2,5 ha trồng nấm sò trái vụ và đông trùng hạ thảo, HTX đã đầu tư hệ thống phòng lạnh công nghiệp, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hệ thống phòng nhân giống, cấy mô cùng dây chuyền máy đóng bịch, nồi hơi hấp thanh trùng… để sản xuất sản phẩm nấm đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Theo đó, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 350 tấn nấm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định cho 20 hộ thành viên. Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Không chỉ có HTX Nấm Tam Đảo, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 30 HTX nông nghiệp, đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình... Bên cạnh đó, sản phẩm của các HTX cũng được kết nối, bán trên nhiều kênh, trong đó có các các sàn thương mại điện tử uy tín như Postmart.vn và Voso.vn…

Tương tự, tại Quảng Nam, đối với các HTX nông nghiệp, thông qua chuyển đổi số, quá trình sản xuất từng bước được số hóa, ứng dụng các công nghệ: IoT, AI, ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc, cũng như sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử.

Đơn cử, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn trên địa bàn thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao.

Với diện tích 1.200 m2 trồng dưa lưới, HTX đã đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động. Bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng. Việc trồng và chăm sóc đều được đảm bảo với điều kiện kỹ thuật rất cao, từ khâu gieo giống, đến chăm sóc thường xuyên điều chỉnh nhiệt độ, chế độ phân bón khoa học, nhiệt độ điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng…

Xúc tiến thương mại trên nền tảng internet mạng lại hiệu quả cao cho các HTX. (Ảnh internet)
Xúc tiến thương mại trên nền tảng internet mạng lại hiệu quả cao cho các HTX. (Ảnh internet)

Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới của HTX mang thương hiệu Tân Phong đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGap. Với những thành công ban đầu, HTX đang nỗ lực mở rộng thêm 2 nhà lưới, với quy mô 1.200 m2/nhà lưới. Đồng thời, đang mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. Đây là thời cơ và cũng là thách thức mà các HTX cần nhận diện để tham gia chủ động. Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại để tổ chức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các HTX phát triển theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường. Tuy nhiên, thống kê từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, việc chuyển đổi số trên thực tế vẫn còn chậm và nhỏ lẻ, nhiều HTX vẫn đứng ngoài cuộc.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng… Điều này khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực, lỡ mất thời cơ để phát triển.

Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số từ Liên minh HTX Việt Nam, cũng như Liên minh HTX các địa phương, thì các HTX cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực quản trị số; số hóa các quy trình sản xuất an toàn, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng internet… để tận dụng để nắm bắt cơ hội, chuyển đổi số thành công hướng tới phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.