Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hậu Giang: Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp, nông thôn

Minh Thu - 11:27, 23/09/2022

Với tiềm năng phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên không gian mạng, trên các sàn thương mại điện tử, từng bước hình thành thói quen, hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây cũng chính là quá trình để các HTX nông nghiệp ở Hậu Giang thực hiện thành công “Chuyển đổi số”.

Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất (Ảnh: QĐND)
Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất (Ảnh: QĐND)

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

5 năm trước, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, nông dân Võ Văn Trưng ở xã Bình Thành, đã đầu tư dây chuyền công nghệ tưới nước của Israel vào mô hình trồng dưa lưới nhà kính, mang tên HTX dưa lưới Thuận Phát của gia đình.

“Với hơn 600 triệu đồng đầu tư, tôi nhận thấy, công nghệ tưới này tiết kiệm được 80% lượng nước, 50% chi phí nhân công. Đồng thời, hạn chế được dịch bệnh lên đến 90%. Và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dưa dù đang ở bất cứ đâu”, ông Trưng chia sẻ.

Là người ưa tìm tòi, học hỏi, từ 2.000m2 dưa lưới ban đầu, sau 5 năm, HTX Dưa lưới Thuận Phát do ông Trung làm Giám đốc, đã phát triển lên 4ha với 30 thành viên. Hiện, HTX cung cấp ra cho thị trường gần 300 tấn dưa lưới, thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Trưng cho biết: “Từ khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đang tính toán mở rộng diện tích trồng dưa lưới, mục tiêu là hướng đến thị trường nước ngoài”.

Hợp tác xã Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cũng là một trong những HTX nông nghiệp ở Hậu Giang đang có nhu cầu chuyển đổi số rất lớn. Thời gian qua, HTX đã có những bước đi cho quá trình chuyển đổi số, như làm quen với khai báo thuế điện tử, thanh toán tiền mua bán lúa, vật tư nông nghiệp qua tài khoản ngân hàng.

 Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, chia sẻ: Chúng tôi hiểu việc chuyển đổi số mang lại những tiện ích rất lớn, dài lâu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, HTX mong muốn, có những bước tiến lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; như một phần mềm để cập nhật đầu vào, đầu ra của nông sản, hệ thống trên sàn giao dịch; công khai, minh bạch về doanh thu; kiểm soát được sản lượng, số lượng hàng hóa khi nhập vào kho lưu trữ,…

“Để kiểm soát, quản lý HTX về các dịch vụ, cần rất nhiều con người. Nếu bây giờ lập trình được một hệ thống, phần mềm chuyển đổi số, việc quản lý HTX sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Thích khẳng định.

Một trong những minh chứng cho ích lợi chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực nông nghiệp là ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Theo đó, từ cuối năm 2019, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” nhằm giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. 

Với ứng dụng này, các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR-Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm... Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có trên 2.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với khoảng 320 sản phẩm nông sản tham gia trên sàn, góp phần giải quyết đầu ra nông sản của người nông dân.

Theo ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang: Toàn tỉnh hiện có 234 HTX với 6.720 thành viên. Nhờ áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại vào phục vụ sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các HTX nông nghiệp đã có sự đổi thay hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tất yếu là chuyển đổi số.

Tạo đà phát triển HTX nông nghiệp

Mới đây, trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang về hỗ trợ chuyển đổi số trong HTX, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: Chuyển đổi số trong HTX là xu thế tất yếu, vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục khai thác, phát triển Trang Thông tin điện tử của đơn vị, tích hợp các nội dung kinh tế tập thể để cung cấp các thông tin về tư vấn hỗ trợ, tập huấn đào tạo, thông tin các sản phẩm của đơn vị và các HTX thành viên. Ông Trung cam kết, Sở TT&TT sẽ hỗ trợ Liên minh HTX trong việc đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Trồng dưa lưới ở Hậu Giang (Ảnh minh họa)
Trồng dưa lưới ở Hậu Giang (Ảnh minh họa)

Còn theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành; trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...

“Chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành giúp nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu và vận động nông dân ứng dụng các mô hình chuyển đổi số nhằm cải thiện phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhất là Hội Nông dân triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” đến toàn bộ hội viên trong tỉnh, nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số”, ông Hùng nhấn mạnh.

Với sự chủ động học hỏi cái mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình sản xuất, nông dân Hậu Giang từng bước bắt nhịp với chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ với kỳ vọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông sản. Dù chỉ mới manh nha, nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực quan trọng này đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế HTX ở Hậu Giang phát triển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang chuẩn bị triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WebGIS. Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Đến nay, đã có 2.116 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng, với 326 nông sản, sản phẩm tham gia trên sàn.

Ngoài ra, ngành Kiểm lâm của tỉnh cũng đang triển khai phần mềm QGIS phiên bản 3.06 để theo dõi, cập nhật tình trạng của rừng hàng tháng, quý và năm; ngành thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo độ mặn tự động. Ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin sản xuất và tiêu thụ cá tra, phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản; ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng...

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.