Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kỳ tích Thung Manh

Phạm Việt Thắng - 12:09, 12/11/2021

Vùng đất ấy, không đường đi, không nước tưới, chỉ với đôi bàn tay cần mẫn đã trở thành một vùng ngút ngàn cây trái. Ấy là Thung Manh, thuộc bản Mánh, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Sau mấy tiếng chíp chíp, đàn trâu liền quây quần bên ông chủ Vinh
Sau mấy tiếng chíp chíp, đàn trâu liền quây quần bên ông chủ Vinh

Gian nan mở đất

Tôi cứ ngỡ Lô Văn Vinh đang biểu diễn trò gì đó để đón khách, khi anh huơ tay, miệng chíp chíp liên hồi… Thì ra Vinh đang gọi trâu. Sau vài tiếng chíp chíp, hàng chục con trâu lũ lượt quay về… “chầu” chủ. Những con trâu béo mầm cứ quấn quýt lấy Vinh, trông thật đáng yêu làm sao. Vinh nói, bán đi nhiều rồi, nay chỉ còn 25 con trâu và gần 50 con bò nữa thôi; còn dê thì vẫn cứ giữ nguyên quân số 100.

Nhấp một ngụm chè xanh đặc quánh, Vinh thủng thẳng kể về “thời xa vắng” cơ cực của mình. “Nhà em những 5 anh em con trai. Bố mẹ nghèo lắm, nghèo đến mức em chỉ học đến lớp 9 thì phải nghỉ để phụ giúp gia đình. Chao ôi, cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, nó khốn khổ làm sao”. Lặng đi một lúc, Vinh tiếp: May mắn của em là được bầu làm Bí thư Chi đoàn bản Mánh, rồi làm Phó Bí thư Đoàn xã Bắc Sơn, được đi tham quan học tập nhiều nơi. Hồi đó Trung ương Đoàn phát động phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, nên đi đâu em cũng quan sát thật kỹ các mô hình kinh tế, cách thức làm ăn của người ta, để xem mình có áp dụng được gì không. Ngặt là, chỉ với mấy sào ruộng khoán, mình không thể bứt phá được.

Bao nhiêu đêm trằn trọc, cuối cùng Vinh chọn vùng đất Thung Manh, cách nhà hơn 10 cây số để khởi nghiệp. Trước Vinh cũng đã có nhiều người thử sức với vùng đất này, nhưng rồi họ đều bỏ cuộc. Không đường đi, không nước tưới, Thung Manh như một vùng đất chết vậy. “Không sao, cứ đi sẽ có đường, cứ trồng sẽ có cây”, Vinh cười giòn tan. Năm đầu tiên, Vinh trồng ngô. Lại gặp năm trời nóng, gió Lào thổi như rang, cây thì tốt mà hạt thì chẳng đậu. Khởi đầu nan hoàn toàn trắng tay.

“Khổ lắm anh ơi, mỗi buổi sáng vợ chồng em phải thay nhau gánh nước từ nhà vào đây để dùng. Mỗi đứa gánh một đoạn, vào đến nơi thì đã bở hơi tai. Đã mấy lần vợ em bảo, hay bỏ Thung Manh, về nhà rau cháo cũng được. Nhưng em kiên quyết không rời”, Lô Văn Vinh nhớ lại thời gian khó.

Lô Văn Minh với 25 ha mía, mỗi năm lãi ròng hơn 1 tỷ đồng
Lô Văn Minh với 25 ha mía, mỗi năm lãi ròng hơn 1 tỷ đồng

Năm tiếp theo, được vay vốn ngân hàng hơn 2 triệu đồng, Vinh đã mạnh dạn “đa dạng hóa” cây trồng. Nói là đa dạng, nhưng thực ra cũng chỉ trồng thêm một số diện tích sắn. Biết tôi băn khoăn về số tiền 2 triệu đồng, Vinh nói ngay: “Chăn nuôi là trụ cột ngay từ ngày đầu của em ở Thung Manh. Dù mùa ngô đầu tiên thất bại nhưng em vẫn có thu nhập từ lợn và gà. Có thế thì em mới tự tin đầu tư tiếp chứ”.

Cứ thế, diện tích khai hoang ở Thung Manh ngày càng tăng. Từ chỗ hai vợ chồng cày cuốc, Vinh phải thuê thêm người làm, mỗi năm mở rộng một ít và nay thì Thung Manh của Vinh đã có hơn 30 ha đất màu mỡ.

Mùa ngọt lành

Anh có tin, sau những vụ ngô vụ sắn thường thường ấy, em thắng lớn 500 triệu đồng do cung cấp giống mía không”, Lô Văn Vinh vẫn chưa hết mừng vui. Vinh kể, năm đó, cả vùng này, bà con thi nhau trồng mía, cung cấp cho Nhà máy Đường Nasu. Nhưng mía bị bệnh chồi cỏ không phát triển được, một năm thất bát, ai cũng buồn rười rượi. Thung Manh của Vinh lại trở thành lợi thế, vì nó nằm biệt lập với bên ngoài, không bị sâu bệnh xâm hại. Vinh đăng ký với Nhà máy để ươm giống mía, cung cấp cho cả vùng.

“Nửa tỷ đồng tiền lãi, nằm mơ em cũng chưa từng thấy”, Vinh nói như reo. Cũng năm đó, Vinh được nhà máy đường vinh danh danh hiệu “Nông dân tiêu biểu”; được Trung ương Đoàn suy tôn điển hình “Thanh niên tiên tiến” và Trung ương Hội Nông dân khen thưởng. Vinh mừng vui ra mặt: “Em cầm tờ giấy mời mà tay cứ run mãi, không thể tin từ nơi thâm sơn cùng cốc này, mình lại được đi Hà Nội, vinh dự quá!”.

Sau vụ mía giống thắng lợi, Vinh đã quy hoạch lại Thung Manh thành hai phân khu: 25 ha trồng mía và 5 ha cho khu chăn nuôi. Cùng với đó, Vinh đã đầu tư hàng loạt máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.

Lô Văn Vinh: “Riêng dê thì lúc nào quân số cũng đủ 100 con”
Lô Văn Vinh: “Riêng dê thì lúc nào quân số cũng đủ 100 con”

Vinh tâm sự: “Phải cơ giới hóa, anh ạ. Phải đầu tư mới làm lớn được, chứ dựa vào sức người thì may ra cũng chỉ đủ ăn thôi”. Cũng theo lời ông chủ Thung Manh, làm gì thì làm, không thể bỏ chăn nuôi được. “Em dự tính sẽ mở rộng trang trại chăn nuôi, nhất là phát triển đàn bò cao sản. Em cho thằng cu con đi học Đại học Nông nghiệp, khoa Thú y là vì mục đích này. Trước mắt em sẽ đầu tư nuôi khoảng vài trăm con bò, rồi sẽ phát triển thêm”, Lô Văn Vinh nói về dự định của mình.

- Như vụ mía này, Vinh dự tính lãi ròng được bao nhiêu - tôi hỏi?

Ông chủ Thung Manh khiêm nhường, cứ gãi đầu hoài: Cũng tàm tạm thôi, tỷ hơn tỷ kém gì đó.

Biết tôi không tin, Vinh đành phải “khai thật”: Đó là riêng mía, chưa kể chăn nuôi. Ngoài ra, em còn có 15 ha trồng gỗ nguyên liệu và gần 20 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ nữa. Vị chi, tổng diện tích đất rừng của em là hơn 60 ha.

Cuối cùng thì tôi vẫn gặp được con trai Vinh - Lô Văn Phố - ông chủ tương lai của Thung Manh. Phố có vẻ bẽn lẽn trước khách lạ và nhất là trước câu hỏi của tôi về dự định trong tương lai.

- Cơ giới hóa? Tự động hóa?

Tôi thật bất ngờ khi Phố lắc đầu tất cả. Cháu nhỏ nhẹ, cái gì mà người ta không làm được, khó làm được thì mình mới làm. “Nông nghiệp hữu cơ. Cháu muốn đi theo hướng đó, bác ạ”, ông chủ tương lai của Thung Manh chia sẻ.

Chúng tôi rời Thung Manh khi mặt trời vừa đứng bóng. Lắc lư trên chiếc xe bán tải hai cầu, tôi đọc tặng bố con Vinh hai câu thơ của Tế Hanh: “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Vinh cười hồn hậu và khiêm nhường: Bố con em còn phải cố gắng nhiều!

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.