Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chuyện về những người ở lại

Tuyết Mai - Hiếu Anh - 10:08, 15/05/2020

Xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được mệnh danh là “xã xuất ngoại”, khi có đến 648 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, trong dòng chảy lao động đó, vẫn có những thanh niên bám trụ ở lại quê hương lập nghiệp và thành công.

 Mô hình nuôi chim của anh Quân (bên trái) được nhiều người quan tâm.
Mô hình nuôi chim của anh Quân (bên trái) được nhiều người quan tâm.

5 giờ sáng, anh Mông Văn Tuấn, sinh năm 1990, dân tộc Nùng, Bí thư Chi đoàn thôn Trại Trầm, xã Tam Dị đã cặm cụi thu gom và phân loại dứa, sắp xếp vào từng túi loại 1, loại 2. Anh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua do giãn cách xã hội nên số dứa thu hoạch bị ùn ứ khá nhiều. Nay, nhịp sống xã hội đã trở lại bình thường, gia đình anh còn vất vả hơn xưa vì liên tục phải xuất hàng đi địa phương khác.

Anh Tuấn tốt nghiệp THPT năm 2008 rồi đi bộ đội. Thời gian sống, rèn luyện trong quân ngũ giúp anh rèn ý chí vững vàng, không đầu hàng trước khó khăn.

Năm 2010, trở về địa phương anh cũng định đi xuất khẩu lao động như bao thanh niên khác ở xã. Nhưng lại nghĩ đến cha mẹ ở quê không ai chăm sóc; hơn nữa anh nghĩ đất quê mình cũng có nhiều cơ hội làm giàu nên anh quyết tâm ở lại, khởi nghiệp với hơn 4ha rừng, 3ha dứa cùng khoảng 2 nghìn con gà thương phẩm. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, áp dụng khoa học - kỹ thuật, mô hình của anh đã dần thu hồi vốn và có lãi.

Cũng như anh Tuấn, nhiều thanh niên người Nùng ở thôn Trại Trầm đã ở lại xây dựng phát triển quê hương. Quây quần với nhau, họ thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên làm kinh tế với 13 thành viên, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về giống, vốn khi khó khăn.

Chọn ở lại quê hương, nhiều thanh niên ở Tam Dị còn mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình mới. Tiêu biểu như mô hình trồng lan của vợ chồng anh Trần Văn Hiền, sinh năm 1988 và chị Hoàng Thùy Linh, sinh năm 1992 ở thôn Trại Trầm.

Anh Hiền tâm sự, khoảng cuối năm 2018, được người bạn cho mấy giò phong lan, anh chăm chút, tìm hiểu và mê mẩn lúc nào không hay. Nhận thấy nhiều loại phong lan có giá trị kinh tế, được nhiều người chơi hoa lan tìm mua nên anh quyết chí khởi nghiệp trồng lan.

Chị Hoàng Thùy Linh ở thôn Trại Trầm với mô hình trồng hoa lan.
Chị Hoàng Thùy Linh ở thôn Trại Trầm với mô hình trồng hoa lan.

Những ngày đầu, anh chị gặp phải không ít khó khăn bởi chưa nắm vững kỹ thuật, lan bị chết, hao hụt nhiều. Nhờ chịu khó vừa học, vừa làm, anh hiểu hơn về đặc tính của chúng và nhân giống thành công các loại lan quý như: Phi điệp, cẩm báo, đuôi cáo, hải yến. Giờ đây, những giò lan trong vườn của gia đình anh có giá vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí cả vài chục triệu đồng.

Cũng bắt đầu khởi nghiệp từ sở thích, các anh Đinh Văn Quân, sinh năm 1990; Hoàng Văn Đại, sinh năm 1994, dân tộc Nùng, ở thôn Hòn Ngọc, xã Tam Dị đang cùng chung vốn nuôi hơn 2,6 nghìn con chim gáy giống Pháp, Nhật. Mới đầu, hai anh chỉ nuôi vài đôi chim làm cảnh. Thấy nhiều người hỏi mua, hai anh thử tìm hiểu rồi thấy cơ hội rộng mở đối với việc nuôi thương phẩm.

“Tôi bỏ việc, không đi làm thuê nữa mà dùng toàn bộ số tiền tích lũy được đầu tư hơn 100 đôi chim bố mẹ cùng với khu chuồng trại rộng khoảng 250m2”, anh Quân chia sẻ.

Theo anh Quân, thông thường sau khi nuôi khoảng 7 tháng, chim gáy Nhật bắt đầu đẻ trứng, nếu được chăm sóc tốt thì chúng sinh sản gần như quanh năm. Hiện mô hình của anh Quân, anh Đại có hơn 200 đôi chim sinh sản, từ khi đẻ trứng, chim gáy ấp 13 ngày và khoảng 45 ngày sau nở có thể xuất bán, với giá bán từ khoảng 100 nghìn đồng/đôi chim thương phẩm.

Những thanh niên chọn ở lại lập nghiệp trên quê hương Tam Dị nói riêng và vùng dân tộc và miền núi nói chung đã minh chứng sống động rằng, ở bất cứ nơi đâu, không cứ gì phải xuất khẩu lao động hay lập nghiệp ở thành thị mà chỉ cần có đủ đam mê thì họ hoàn toàn có thể đi tới thành công.


Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.