Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nâng hạn mức cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm: Gia tăng cơ hội cho người vay vốn khởi nghiệp

Vân Khánh - 10:55, 25/10/2019

Từ 8/11/2019, Quỹ Quốc gia về việc làm sẽ nâng mức vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), Hợp tác xã (HTX) và người lao động (NLĐ). Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp các đối tượng nằm trong diện vay ưu đãi sẽ tiếp cận với nguồn lực lớn hơn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hộ dân ở TP. Cần Thơ vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hộ dân ở TP. Cần Thơ vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, mức vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm (QQGVVL) theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm. 

Trong điều kiện hiện nay, mức vay trên đã không còn phù hợp, định mức vay hỗ trợ thấp không phát huy được hiệu quả đối với nhu cầu vốn phát triển sản xuất ngày càng lớn của các đối tượng vay. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và QQGVVL theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ QQGVVL đối với DNVVN, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và NLĐ. 

Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Sự điều chỉnh nâng hạn mức vốn vay rõ ràng là tin vui lớn đối với các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Chị Phạm Thị Tuyết Trinh (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), chủ sở hữu một xưởng may nhỏ với hơn 10 nhân công cho biết, trước đây khi bắt đầu mở xưởng may, chị đã rất vất vả trong việc tìm nguồn vốn. Thời điểm năm 2016, chị đã được vay 50 triệu đồng từ QQGVVL nên đã có vốn để lập nghiệp. “Muốn làm lớn hơn phải có vốn, mà đi vay ngân hàng thì nhiều người không có thế chấp. Do đó, việc Chính phủ tăng gấp đôi định mức vay từ QQGVVL thực sự là điều kiện rất tốt cho những người bắt đầu có ý định khởi nghiệp”, chị Trinh chia sẻ. 

Bên cạnh việc gia tăng hạn mức vay, sự bất cập về lãi suất cho vay (lãi suất vay từ Quỹ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, thấp hơn mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo) cũng đã được Nghị định điều chỉnh. Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và NLĐ (tại khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm), Nghị định 74/2019/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Sự điều chỉnh này sẽ góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của các đối tượng vay vốn, gia tăng hiệu quả vốn vay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/5/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ QQGVVL làm đạt 16.999 tỷ đồng. Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5/2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885 nghìn lao động; doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 13.857 tỷ đồng. 

Đặc biệt, thông qua QQGVVL, nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động người DTTS, lao động ở khu vực nông thôn… có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.