Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cho vay ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg: Khó khăn trong rà soát đối tượng thụ hưởng

PV - 09:59, 09/08/2019

Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi được ban hành trong Quyết định 2085/QĐ-TTg hướng tới mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo ở địa bàn ĐBKK, hộ DTTS thiếu đất sản xuất có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến việc giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi này rất khó khăn.

Khó phân định

Theo quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg (điểm a, khoản 3, Điều 3) thì đối tượng được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi (lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, thời hạn vay tối đa là 10 năm) bao gồm: hộ nghèo sinh sống ở các xã khu vực III, thôn/bản ĐBKK và hộ DTTS thiếu đất sản xuất. Nhưng để được vay vốn ưu đãi thì các hộ phải bảo đảm được yêu cầu là “chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất” (điểm a, khoản 1, Điều 3).

Thực tế, trước Quyết định 2085/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã được triển khai từ hàng chục năm nay, được quy định tại nhiều chương trình, dự án khác nhau (Chương trình 134, Chương trình 755,…). Vì thế, chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng nào đã được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự để lập danh sách thụ hưởng vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi rất cần thiết để giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất. (Ảnh minh họa) Vốn tín dụng chính sách ưu đãi rất cần thiết để giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất. (Ảnh minh họa)

Như huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), theo thống kê của Phòng Dân tộc, toàn huyện có 1.878 hộ có nhu cầu vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khó xác định đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện, nên số hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong năm 2018, NHCSXH huyện Buôn Đôn cũng chỉ giải ngân được 2,3 tỷ đồng, với 65 hộ được vay vốn.

Trong khi đó trên địa bàn huyện Buôn Đôn có rất nhiều hộ có nhu cầu vay vốn ưu đãi. Như thôn Thống Nhất, xã Krông Na-là điểm định canh định cư (ĐCĐC) cho 145 hộ đồng bào DTTS du canh du cư trên địa bàn xã (phần lớn di cư từ phía Bắc vào). Ở đây tất cả các hộ đều thiếu đất sản xuất.

Nhưng khi xét điều kiện để vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg thì đại đa số các hộ ở thôn Thống Nhất đều “trượt”. Nguyên nhân là khi về ĐCĐC tại thôn Thống Nhất, các hộ đã được bố trí đất ở (bình quân mỗi hộ 400m2), được hỗ trợ 15 triệu đồng để làm nhà, phát triển sản xuất, mua lương thực 6 tháng đầu tiên tính từ khi đến điểm ĐCĐC.

Đây là những chính sách hỗ trợ theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Do đã được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự nên hầu hết các hộ ở thôn Thống Nhất không đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Trong khi đó, đời sống của người dân ở thôn Thống Nhất vẫn rất khó khăn; cả thôn có 145 hộ thì có đến 78 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo.

Nhiều biến động

Theo quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg, một trong những đối tượng cho vay ưu đãi là hộ nghèo sinh sống ở xã khu vực III, thôn/bản ĐBKK. Nhưng hộ nghèo lại có sự biến động theo từng năm khiến các địa phương rất lúng túng trong việc xác định đúng đối tượng để triển khai cho vay vốn ưu đãi.

Lấy huyện Sa Thầy (Kon Tum) là dẫn chứng. Năm 2019, huyện được phân bổ 4 tỷ đồng để cho vay ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Nhưng đến hết tháng 7/2019, các địa phương trên địa bàn huyện vẫn đang tiến hành rà soát đối tượng để trình UBND huyện phân bổ kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết, Quyết định 2085/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2016. Sau khi có Quyết định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lập danh sách đối tượng thụ hưởng để triển khai. Nhưng gần đây, chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg mới có vốn thực hiện nên danh sách đối tượng thụ hưởng đã không còn phù hợp.

“Bình quân mỗi năm huyện giảm 3-4% hộ nghèo, đồng thời cũng có thêm những hộ nghèo phát sinh, hộ tái nghèo. Do đó, đối tượng thụ hưởng được rà soát sau khi có chính sách so với thời điểm hiện nay là rất khác nhau. Gần như địa phương phải tiến hành điều tra lại nên việc triển khai chính sách rất chậm”, ông Bảo cho biết.

Không chỉ gặp khó do đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo có sự biến động lớn mà việc giải ngân vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg còn gặp một khó khăn khác không dễ tháo gỡ. Đó là việc, khi chính quyền địa phương thống kê, lập danh sách thì đủ điều kiện, nhưng chuyển hồ sơ lên NHCSXH lại không được xét duyệt vì đang có khoản vay tín dụng tại đây.

Để tháo gỡ những vướng mắc này thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cơ sở trong việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng cần sớm bố trí đủ kinh phí, tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện chính sách đúng quy định.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.