Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kỳ họp giữa năm HĐND tỉnh Phú Yên: Nóng vấn đề nước sinh hoạt và sinh kế cho đồng bào DTTS các huyện miền núi của tỉnh

Thanh Xuân - T.Nhân - 09:30, 07/07/2023

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII diễn ra từ ngày 5 - 7/7. Đây là kỳ họp thường kỳ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm như: Thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đầu tư công, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; quyết định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, đồng thời cho ý kiến để thông qua 26 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực của tỉnh.

Đại biểu Phạm Ngọc Công - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu tại kỳ họp
Đại biểu Phạm Ngọc Công - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu tại kỳ họp

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện, là Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, là địa bàn cư trú của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na. Nhờ thực hiện kịp thời và đồng bộ các chính sách dân tộc, những năm gần đây, đời sống kinh tế, xã hội vùng DTT và miền núi ngày càng có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 - 26 triệu đồng/người/năm, khu vực có người DTTS sinh sống đạt gần 18 triệu đồng/người/năm. Riêng thu nhập của người đồng bào DTTS đạt 14 - 16 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, vùng này vẫn còn nhiều kho khăn cần phải giải quyết để đời sống của người dân ngày càng ổn định hơn.

Liên quan đến đời sống bà con các DTTS tại 3 huyện miền núi, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến tình hình chậm giải ngân thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tình hình yếu và thiếu cán bộ nguồn là con em đồng bào các DTTS; việc tuyển sinh đã khó khăn, nhưng một số em khi được đào tạo về lại không bố trí được công việc; việc giao rừng, giao đất sản xuất cũng còn nhiều tồn tại cần được giải quyết.

Đặc biệt, vấn đề nước sạch nông thôn tập trung cho đồng bào các huyện miền núi được các đại biểu đặt ra cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan những lời giải cấp bách, vì nay đang là thời điểm khô hạn chính trong năm.

Nguồn nước cạn kiệt vào mùa nắng trẻ em miền núi Phú Yên phải ra suối lấy nước về cho gia đình sinh hoạt
Nguồn nước cạn kiệt vào mùa nắng trẻ em miền núi Phú Yên phải ra suối lấy nước về cho gia đình sinh hoạt

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Ngọc Công - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên đã có 72 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư. Nhưng đến nay, qua nhiều năm sử dụng (trên 10 năm, có công trình 15 - 20 năm) nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm phát huy hiệu quả sự dụng hoặc đã ngưng hoạt động, nhưng chưa được đầu tư, tu bổ, mở rộng, nâng cấp để tiếp tục sử dụng. Trong 72 công trình trên, có 24 công trình hoạt động bền vững, 10 công trình hoạt động bình thường, 13 công trình hoạt động kém hiệu quả, 17 công trình đã ngưng hoạt động, 8 công trình đã thanh lý. Như vậy là có chưa tới 50% công trình nước sạch hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, có nơi nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm Flor, vào mùa nắng hạn tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, khảo sát tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), báo cáo cho biết tại đây có 3 công trình nước sạch được đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay 1 công trình đã thanh lý, 1 công trình ngưng hoạt động từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được thanh lý, công trình còn lại là nước tự chảy nhưng lúc có nước, lúc không!. Hơn 80 hộ dân ở đây thiếu nước vì nguồn nước khan hiếm. Nhiều giếng khoan, giếng đào nước cũng lúc mạnh, lúc yếu.

Tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) từ trước đến nay không có công trình nước sạch nào được đầu tư, nguồn nước lại bị nhiễm phèn. Thôn Suối Mây của xã này là thôn có nhiều đồng bào DTTS. Nguồn nước nhiễm phèn nặng, đồng bào phải mua nước bình về sử dụng.Tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) có 2 công trình nước sạch được đầu tư, nhưng nguồn nước không bảo đảm cung cấp cho đồng bào sử dụng.

Bà Cao Thị Hòa An, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp cũng bày tỏ sự đồng cảm với các đại biểu và đồng bào khi thấy họ phải bỏ ra 10.000 đồng để mua 1 bình nước 20 lít về sử dụng. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành chức năng cần phối hợp nhanh chóng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời có phương án hỗ trợ người dân miền núi đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.