Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Krông Pắc (Đắk Lắk): Tiếp tục thực hiện tốt công tác kết nghĩa với thôn, buôn đồng bào DTTS

Võ Quang Hùng - 18:56, 10/10/2022

Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, lâu dài, cấp bách của Đảng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, ngoài việc triển khai các chương trình, đề án lớn của Trung ương, của tỉnh tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kết nghĩa với thôn, buôn đồng bào DTTS.

Tiết mục biểu diễn múa sạp của bà con dân tộc Tày, Nùng thôn Thạch Lũ trong lễ kết nghĩa xã Ea Yông (huyện Krông Pắc)
Tiết mục biểu diễn múa sạp của bà con dân tộc Tày, Nùng thôn Thạch Lũ trong lễ kết nghĩa xã Ea Yông (huyện Krông Pắc)

Thực tế cho thấy, từ khi triển khai công tác kết nghĩa, hằng năm các cơ quan được phân công kết nghĩa đã chủ động thăm hỏi, hỗ trợ các thôn, buôn đồng bào DTTS với số tiền bình quân mỗi năm hơn hai trăm triệu đồng, phối hợp hỗ trợ xây dựng, sửa chữa một số công trình tại cơ sở, đặc biệt là có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021. Tuy nhiên để công tác kết nghĩa thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và ngang tầm nhiệm vụ chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 121-KH/HU, ngày 27/5/2022 về việc điều chỉnh, phân công lại các cơ quan, đơn vị tại huyện kết nghĩa với các thôn, buôn đồng bào DTTS.

Theo đó, trên địa bàn huyện hiện nay có 71 thôn, buôn đồng bào DTTS (trong đó có 59 buôn đồng bào DTTS tại chỗ, 12 thôn đồng bào DTTS phía Bắc vào sinh sống) trên tổng số 236 thôn, buôn thuộc 13 xã toàn huyện còn khó khăn về kinh tế. Căn cứ tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 124 đơn vị kết nghĩa (41 cơ quan hành chính, 07 doanh nghiệp, 07 trường THPT, 69 đơn vị trường TH và THCS) với hình thức kết hợp xen kẽ giữa các cơ quan hành chính, doanh nghiệp với các đơn vị trường học kết nghĩa với một thôn, buôn ở địa bàn phù hợp, tùy tình hình thực tế và điều kiện của từng đơn vị. Bên cạnh đó chỉ đạo cấp ủy các địa phương nghiên cứu, phân công thêm thôn, buôn người Kinh kết nghĩa với thôn, buôn đồng bào DTTS.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, tiếp tục triển khai công tác kết nghĩa trên địa bàn huyện thể hiện quan điểm của Đảng đối với công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ quan tâm, chăm lo bồi dưỡng phát triển Đảng cho quần chúng là đồng bào DTTS cho đến huy động các nguồn lực, góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết gắn bó, mối quan hệ gần gũi, mật thiết giữa các cơ quan, đơn vị tại huyện với cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở; giữa cán bộ công chức với cán bộ và nhân dân thôn, buôn kết nghĩa. Đồng thời tạo điều kiện để bà con đồng bào DTTS có điều kiện được tiếp cận nguồn hỗ trợ con giống, cây giống… và hướng dẫn về mặt kỹ thuật trong canh tác sản xuất của các cơ quan chuyên môn, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó thi đua phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…

Công ty Cổ phần Cà phê Phước An và Công ty Môi trường trắc địa Buôn Ma Thuột ký kết nội dung kết nghĩa với buôn Ea Yông B
Công ty Cổ phần Cà phê Phước An và Công ty Môi trường trắc địa Buôn Ma Thuột ký kết nội dung kết nghĩa với buôn Ea Yông B

Với tình cảm và trách nhiệm gắn bó với buôn kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã triển khai các biện pháp, việc làm cụ thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong buôn xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: giúp bà con vay vốn không tính lãi, giúp ngày công lao động, hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón; vận động, hướng dẫn cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị còn giúp buôn kết nghĩa xây dựng các tổ tiết kiệm, hướng dẫn cách chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình; mở các lớp đào tạo nghề, liên hệ tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên trong buôn…

Ngoài việc giúp đồng bào buôn kết nghĩa xóa đói, giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp giúp buôn xây dựng đời sống văn hóa - xã hội như: trích quỹ phúc lợi, vận động cán bộ, công chức cơ quan đóng góp để xây dựng nhà trẻ, phòng học, nhà văn hóa cộng đồng cho buôn; làm nhà tình thương, nhà đại đoàn kết tặng các hộ chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; tặng tivi, rađio, tủ sách, lắp đặt điện thoại, điện chiếu sáng, tặng dụng cụ sinh hoạt thể thao, nhạc cụ... cho người dân và buôn kết nghĩa. Phối hợp với buôn kết nghĩa trong vấn để xây dựng nông thôn mới; tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho thanh thiếu niên; tặng quà và đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Song song với đó, mô hình cán bộ, nhân dân thôn đồng bào Kinh kết nghĩa với buôn đồng bào DTTS bước đầu có hiệu quả. Mặc dù, về giá trị vật chất không lớn nhưng các thôn, tổ dân phố đồng bào Kinh có các hình thức giúp đỡ bà con rất thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn sản xuất không lấy lãi; các chi hội, đoàn thể phân công hội viên giúp đỡ những gia đình nghèo, hướng dẫn cách chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày; các gia đình giúp nhau vốn, cách làm ăn hiệu quả, giúp đỡ nhau về mọi mặt; mối quan hệ giữa thôn, gia đình đồng bào Kinh với buôn, gia đình đồng bào DTTS ngày càng gắn bó, thân thiết hơn.

Xã Krông Buk tổ chức lễ kết nghĩa giữa 13 cơ quan, đơn vị với 07 thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã
Xã Krông Buk tổ chức lễ kết nghĩa giữa 13 cơ quan, đơn vị với 07 thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã

Công tác kết nghĩa giữa thôn, buôn đồng bào DTTS đã góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn. Đặc biệt, công tác kết nghĩa là một hình thức mới để nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh vạch trần luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động, phá hoại sự nghiệp đổi mới, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Từ đó, làm cho đồng bào nhận thức rõ hơn, thấy được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy truyền thống tương thân tương ái, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây cũng là kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 26/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về Tăng cường đổi mới và nâng cao công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS; đồng thời từng bước đưa công tác kết nghĩa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, sớm hoàn thành mục tiêu về đích huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025 theo Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 09/4/2021của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về Tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện Krông Pắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.