“Sứ giả” của bản
Đã ngoài 70 tuổi nhưng già làng Lương Minh Hồng ít khi rảnh việc. Ông vẫn tham gia làm nương rẫy. Trao đổi với chúng tôi, giọng ông chắc nịch với nụ cười đôn hậu: “Mình là già làng, phải gương mẫu trong mọi sinh hoạt, nhất là trong lao động sản xuất, chừng nào còn sức thì còn phải làm việc để tự nuôi sống bản thân, không làm phiền con cái…”.
Biết chúng tôi nóng lòng về câu chuyện "ngoại giao" năm xưa, già Hồng vào cuộc ngay: "Không có chi to tát mô, chỉ là kết nghĩa giữa hai bản thôi mà!". Rồi mắt ông sáng rực, mọi cử chỉ, lời nói hoạt bát hẳn lên: "Năm 1995, sau khi rời quân ngũ, tôi được bà con bầu làm trưởng bản Mường Piệt. Thời đó, ngoài lực lượng Biên phòng, các làng bản ở biên giới cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc. Để bảo vệ hơn 10 km đường biên của Mường Piệt giáp với bản Tẩu, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) quả không phải nhiệm vụ nhẹ nhàng".
Để lên đến cột mốc biên giới, phải mất nhiều giờ đi bộ với đường rừng cheo leo, nguy hiểm. Nhưng, đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, không những phải thực hiện mà phải thực hiện thật tốt. Thời điểm đó, người dân hai bên từng có một vài hiềm khích, nhất là nạn phạt vạ khi trâu bò phá hoại hoa màu của nhau…
“Bắt tay lên trán mấy đêm, tôi nghĩ chỉ có một cách duy nhất là kết nghĩa hai bản với nhau. Khi đã là anh em, thì chắc chắn mọi hiềm khích sẽ được hóa giải, đường biên sẽ không bị xâm phạm. Nghĩ thông rồi thì phải vượt rừng sang Lào, tìm gặp người quen để kết nối”, già Hồng hồ hởi nói với chúng tôi.
Thế là “sứ giả” Lương Văn Hồng cùng hai cộng sự cơm đùm, cơm nắm, tranh thủ vượt đường rừng mất 1 ngày mới đến được bản Tẩu. May thay, thông tin ông nhận được, chính người bạn cũ của ông là đương kim Trưởng bản Tẩu - ông Thoong Ly, khi ấy bạn ông ốm nặng phải nhập viện. Không nản, ba “sứ giả” thuê thuyền ngược lên huyện lị Sầm Tớ để gặp bằng được ông Thoong Ly. Ông Thoong Ly không khỏi xúc động khi nghe ông Hồng nói về tình giao hảo hai bên. Thỏa thuận miệng đã được hai trưởng bản “ký kết” ngay trên giường bệnh: “Cùng tôn trọng, bảo vệ biên giới, trâu bò lỡ phá hoại cây trồng, dân bản hai bên không bắt trâu của nhau, không bắt trộm trâu bò, đào sắn của nhau...”.
Tết cổ truyền năm đó, y hẹn, phái đoàn của bản Tẩu đã sang thăm Mường Piệt và lễ kết nghĩa giữa hai bản chính thức được ký kết, tuy đơn sơ nhưng ấm tình anh em. Và cũng kể từ đó, hai bản kề vai sát cánh cùng bảo vệ đường biên giới chung, bảo vệ tài sản của nhau…
Chuyên gia hòa giải
Sau thành công của chuyến đối ngoại ấy, “sứ giả” Lương Văn Hồng được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thông Thụ. Ông tâm sự, được giao giữ trọng trách là trung tâm đoàn kết, tôi sợ mình kham không nổi. Mọi người động viên, đến cả việc “ngoại giao” với bản bạn ông còn làm xong thì không việc gì không hoàn thành. Thời điểm đó, bà con xã Thông Thụ còn muôn vàn khó khăn, hộ nghèo còn nhiều.
Việc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch mặt trận, là ông phải đi “ăn mày” các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. “Có một gia đình bị cháy nhà, tôi kêu gọi trong vòng vài ngày, bà con đã góp công, góp của dựng lại nhà cho họ còn khang trang hơn trước”, già Hồng thật vui.
Ông còn vui hơn, khi kể về câu chuyện hòa giải cho cặp vợ chồng mới cưới. Số là chị vợ đã có một đời chồng, có con riêng nên bà con cứ xì xèo, nhất là cách anh này ứng xử với con riêng của vợ nên gia đình suốt ngày lục đục. Rồi xô xát giữa hai vợ chồng xảy ra, đòi đưa nhau ra tòa.
Ông Hồng gặp riêng từng người, giảng giải, khuyên can. Ông nói với người chồng, chính anh mới là người tuyệt vời, dám vượt qua dị nghị để lấy người mình yêu. Mà đã yêu nhau thì cần gì phải so đo, tính toán, cần gì phải nghe lời dèm pha… Anh chồng nghe lời ông, kể từ đó yêu thương vợ con hết mực, nay họ đã có với nhau 2 đứa con chung, cuộc sống rất hạnh phúc.
Tiếp đến, ông lên kế hoạch xây dựng làng bản văn minh, mà trước hết là bảo vệ môi trường. Thói quen nhốt gia súc dưới sàn nhà của bà con, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ông đã vận động mọi người xây dựng chuồng trại xa khu nhà ở, dọn vệ sinh thường xuyên đường sá trong bản…Không riêng gì Mường Piệt mà bà con trong xã đã hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường.
Hay như nạn thách cưới mà ông cho là hủ tục rất khó bỏ, có nhà thách cưới lên đến cả mấy cây vàng. Ông nói với mọi người rằng, hạnh phúc của con trẻ là quý giá nhất, quý hơn cả vàng. Nếu thách cưới nhiều, tổ chức ăn cưới linh đình, thì sau này các con lại phải gánh nợ. Ông nói: “Bà con hiểu cái bụng mình muốn làm điều tốt cho họ, nên đa số đã bỏ được hủ tục thách cưới. Ngay cả đám tang cũng không tổ chức cúng tế linh đình, nhiều ngày nữa, mà sau 24 tiếng là an táng”.
Nói về uy tín của già làng Lương Văn Hồng, Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ không thôi tấm tắc: “Già đã nói là làm, lúc nào cũng gương mẫu đi trước nên bà con tin theo. Bất kỳ việc gì cần sự ủng hộ của dân, cứ gặp già là chắc chắn thành công”.
Trước giờ xuống núi, già làng Hồng nắm chặt tay tôi, nhấn mạnh từng lời: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chúng tôi cùng cười vang, náo động cả một góc rừng Mường Piệt…