Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những người góp phần giữ vùng xanh trong đại dịch

Hoàng Hiền - Thúy Hồng - 12:48, 10/10/2021

Đồng hành với lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở vùng DTTS, miền núi là những già làng, trưởng bản, Người có uy tín. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng những “chiến sĩ” ấy vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng bảo vệ “vùng xanh” để cuộc sống trở lại bình thường.

Bà Hoàng Thị Dịch cùng Tổ Covid-19 cộng đồng xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đến hộ gia đình tuyền truyền, vận động người dân cùng phòng, chống dịch Covid-19
Bà Hoàng Thị Dịch cùng Tổ Covid-19 cộng đồng xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đến hộ gia đình tuyền truyền, vận động người dân cùng phòng, chống dịch Covid-19

Mới hơn 6 giờ sáng, bà Hoàng Thị Dịch, ở thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn), đã có mặt ở Nhà văn hóa thôn để dán lại một số thông báo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh bà Dịch đi khắp thôn xóm trên tay cầm theo những tờ rơi về quy định phòng, chống dịch đã trở nên quen thuộc với bà con trong thôn.

“Trước đây, người dân trong thôn mình ít có thói quen dùng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Nhưng sau khi được bà Dịch tới từng nhà nói rõ những quy định trong phòng, chống dịch, bà con đã nghiêm chỉnh chấp hành”, ông Nông Văn Tú, người dân thôn Chợ Bãi nhận xét.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng tại thôn, bà Dịch đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rồi phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch cho mỗi gia đình.

Bà Dịch cho biết: Đặc điểm thôn này là có chợ phiên, 5 ngày họp 1 lần, mỗi phiên chợ, tổ chúng tôi thường tuyên truyền đến người dân đi chợ và bán hàng tại chợ thực hiện thông điệp 5K để phòng chống dịch Covid -19.

Không chỉ đi đến từng nhà để vận động người dân chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch, bà Dịch cùng Tổ Covid cộng đồng  còn nhanh nhạy lập nhóm phòng, chống dịch của thôn trên Zalo, Facebook để cập nhật thông tin và tình hình trong thôn, ai đến, ai đi, rà soát toàn bộ biến động của thôn.

 “Ban đầu triển khai tuyên truyền trên nhóm Zalo, tôi khá lo lắng, vì sợ nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng rất ngạc nhiên là ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi đã thành công khi vận động được bà con sử dụng Zalo và cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone”, bà Dịch chia sẻ.

Thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, bà đến từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy định, nghiêm túc phòng, chống dịch, khai báo y tế, nhất là những gia đình có người đi làm công ty ở các địa phương này trở về.

Bà Vi Thị Thảo, người dân huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi có con đi làm công ty nơi vùng có dịch. Bà Dịch cùng Tổ Covid Cộng đồng thường đến nhắc nhở gia đình, động viên cháu yên tâm cách ly ở công ty, khi hết dịch mới về.

Ông Hứa Văn Dỉnh, Người có uy tín ở thôn Cốc Tòng (người đứng) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19
Ông Hứa Văn Dỉnh, Người có uy tín ở thôn Cốc Tòng (người đứng) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19

Rời thôn Chợ Bãi, chúng tôi đến thôn Cốc Tòng, cư dân chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Nùng, Hoa...của xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc. Nơi đây có ông Hứa Văn Dỉnh, Người có uy tín của thôn luôn lặng lẽ góp sức cho cuộc chiến chống dịch.  

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bất cứ ngày nắng hay mưa, ông Dỉnh luôn miệt mài “đi từng nhà” trong thôn, bản để tuyên truyền, cùng với đó là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng về cách phòng, chống dịch Covid-19. Những ngày trở trời, đôi chân đau nhức khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhưng ông không quản ngại mưa gió để đến từng nhà tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch.

 Ông Dỉnh trầm ngâm nói: "Thôn Cốc Tòng nằm giáp biên giới, thường xuyên có người qua lại hai bên để thăm thân, trao đổi hàng hóa, cho nên nguy cơ lây lan dịch rất cao, tôi rất lo lắng. Vì vậy, tôi làm mọi cách để bà con nắm đầy đủ và cụ thể từng nội dung về phòng, chống dịch để nghiêm túc thực hiện".

Nghĩ là làm, ông Dỉnh cùng với lực lượng Biên phòng, thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, như đến tận nhà tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi; tổ chức ký cam kết cho bà con thực hiện nghiêm về phòng, chống dịch Covid-19, không xuất nhập cảnh trái phép.

Đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến bà con thực hiện nghiêm 3 không, là: Không xuất, nhập cảnh trái phép; không tiếp tay, đưa đón hoặc bao che cho người xuất nhập cảnh trái phép và không môi giới người xuất nhập cảnh trái phép...Qua đó, bà con nhận thức được mức độ lây lan nguy hiểm của dịch Covid-19, không ai đi sang biên giới, khi thấy người lạ từ biên giới vào bản đều thông tin cho Bộ đội Biên phòng biết. 

Trung tá Lâm Văn Thảo, Chính trị viên, Phó Trưởng Đồn Biên phòng Bảo Lâm cho biết: Ông Dỉnh và đội ngũ những Người có uy tín trong cộng đồng, đã cung cấp những thông tin có giá trị, kịp thời, giúp lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép đi lao động bên nước bạn trở về qua địa bàn, được kiểm tra y tế, thực hiện cách ly theo quy định...

Chia tay những Người có uy tín của vùng đất biên cương xứ Lạng, nhưng chúng tôi luôn giữ mãi hình ảnh đẹp về họ. Bà Dịch, ông Dỉnh, hay những già làng, Người có uy tín khác đã bằng những việc làm cụ thể, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đúng như tinh thần “Mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một “pháo đài” phòng, chống dịch” để giữ yên biên cương của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.