Từ mô hình “cán bộ tăng cường 3 cấp” ở đồn Biên phòng…
Từ kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của mô hình cán bộ đồn Biên phòng tăng cường xã, trong vài năm trở lại đây, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai tập trung triển khai thực hiện chủ trương đưa đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng và phụ trách hộ gia đình. Theo số liệu báo cáo công tác vận động quần chúng, thời điểm hiện tại, bên cạnh đội ngũ cán bộ tăng cường xã, BĐBP Gia Lai có 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng và 216 đảng viên phụ trách gần 1.000 hộ gia đình trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh.
Có thể nói, trong “bộ ba” cán bộ tăng cường nói trên thì mô hình đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình thực chất mang tính kết nghĩa đỡ đầu và mối quan hệ công việc vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm giữa cá nhân với cá nhân. Mặc dù không đặt chỉ tiêu cụ thể là phải giúp đỡ, hỗ trợ cho gia đình mình phụ trách về cơ sở vật chất, nhưng đảng viên đồn Biên phòng phải làm tốt một số việc chính như bám nắm địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh từng hộ gia đình mình phụ trách để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giúp đỡ con em học tập...
Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tùy vào khả năng có thể hỗ trợ ngày công lao động thu hoạch mùa màng, tu sửa nhà ở, công trình dân sinh và trợ giúp lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Với yêu cầu công việc như thế, trong khi có những đảng viên đồn Biên phòng nhận phụ trách từ 5- 7 hộ gia đình “rải đều” trên tất cả các khu dân cư trong xã thì có thể nói, quỹ thời gian để họ gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình là hết sức quý giá.
Kể từ ngày nhận phụ trách hộ gia đình bà Kpui H’Chuot, ở làng Bi và ông Trần Ngọc Đăng, ở làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai), “hành trang” xuống địa bàn của Đại úy Nguyễn Viết Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai lúc nào cũng có vài chai nước mắm, chục gói mì tôm hay dăm ba cân gạo. “Của ít lòng nhiều”, sự trợ giúp của người lính Biên phòng dù không thể thay đổi cuộc sống của người dân biên giới trong ngày một ngày hai, nhưng ít nhất cũng góp thêm tiếng cười cho họ để khởi đầu một giai đoạn mới.
Thời điểm này, cùng với toàn đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát địa bàn phòng, chống dịch Covid- 19, Đại úy Nguyễn Viết Hoàn cùng với gia đình bà Kpui H’Chuot hoàn tất các khâu chuẩn bị để khởi công xây dựng công trình nhà vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới nên công việc bận rộn hơn rất nhiều.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Viết Hoàn cho biết: “Hiện tại, Đồn Biên phòng Ia O có 22 đảng viên nhận phụ trách 100 gia đình ở 9 thôn, làng trong xã. Hầu hết các hộ gia đình này đều thuộc diện khó khăn, người thì tuổi cao, sức yếu, người thì neo đơn thiếu nhân lực lao động, nên mỗi lần xuống địa bàn là anh em phải tập trung giúp đỡ hỗ trợ. Mỗi ngày gỡ được một “nút thắt” nhỏ thì chắc chắn về lâu về dài sẽ hóa giải được bài toán thoát nghèo cho bà con. Xã Ia O đang trong giai đoạn nước rút thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên những đối tượng được đảng viên đồn Biên phòng phụ trách phải luôn là những người đi trước...”.
…Đến phong trào “Gắn kết hộ” của những người lính công nhân
Đến Đội sản xuất số 15, thuộc Công ty 74, Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn xã Ia Chía, huyện Ia Grai, chúng tôi tìm gặp anh Trần Văn Hải, công nhân khai thác mủ cao su và là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động. Với mục tiêu “gắn kết để cùng nhau phát triển”, gia đình anh Hải kết nghĩa với gia đình anh Rơ Lan Binh, ở làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai.
Từ hai bàn tay trắng, được sự quan tâm chăm lo của Công ty 74, đặc biệt là sự đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong lao động sản xuất của “người lính công nhân” Trần Văn Hải, kinh tế gia đình của anh Rơ Lan Binh đã thay đổi đáng kể. Hàng chục ha đất hoang hóa, làm theo kiểu “cầm hơi” không đủ cung cấp lương thực cho mấy miệng ăn trong gia đình dần được chuyển đổi thay thế bằng các loại cây hàng hóa. Đến nay, vợ chồng Rơ Lan Binh đã có hơn 10ha điều, 4ha cao su, 1,5ha cà phê đã bước vào thời kỳ kinh doanh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nói về sự thay đổi trong cuộc sống gia đình mình, anh Rơ Lan Binh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những người lính Công ty 74 từ việc tổ chức sắp xếp nhân lực lao động, quy hoạch vườn cây đến giúp đỡ hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác. “Nếu không có Công ty 74 và đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ của anh Hải thì gia đình mình sẽ không được như ngày hôm nay. Phong trào gắn kết hộ giữa gia đình công nhân người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng cuộc sống bình yên và phát triển trên biên giới. Ở làng mình, tất cả các cặp hộ gắn kết đều phát huy hiệu quả, kết nghĩa để cùng nhau vượt khó vươn lên trong cuộc sống...” - Anh Rơ Lan Binh chia sẻ.
Cũng cần nói thêm mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động được khởi nguồn (làm điểm) chính tại Công ty 74 với 30 cặp hộ gia đình đăng ký. Sau hơn 15 năm triển khai, đến nay, toàn Binh đoàn đã có gần 4.000 cặp hộ gắn kết với nhau. Thông qua việc gắn kết hộ không chỉ giúp bà con thay đổi nhận thức, trình độ kỹ thuật canh tác để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Thượng tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 74 cho biết: Mô hình “gắn kết hộ” đang từng bước đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Công ty 74 đã có 17 đội sản xuất kết nghĩa với 21 thôn, làng và 729 cặp hộ dân gắn kết, trở thành đơn vị có số cặp hộ dân kết nghĩa nhiều nhất so với các công ty khác trong toàn Binh đoàn 15. Qua hoạt động “gắn kết hộ” đã tạo ra sự gần gũi, thân thiện, hiểu biết lẫn nhau và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, thuận lợi trong cuộc sống.
Cũng từ mô hình “gắn kết hộ”, các hộ công nhân người Kinh đã tham gia tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Già làng Siu Tới, ở xã Ia Chía, huyện Ia Grai phấn khởi cho chúng tôi biết: “Cuộc sống của bà con vùng biên giới Ia Chía giờ đã thay đổi nhiều lắm và tất cả đều có dấu ấn của Bộ đội Cụ Hồ. Ở đây, bà con luôn nhận được tình cảm, sự quan tâm, chăm lo giúp đỡ của Công ty 74 và Đồn Biên phòng Ia Chía. Có bộ đội, bà con được tiếp cận sâu hơn với trình độ canh tác đòi hỏi kỹ thuật cao, các gia đình khó khăn được hỗ trợ làm nhà, xây dựng nhà Rông văn hóa, trường học để mọi đứa trẻ trên biên giới đều được cắp sách đến trường. Có thể nói, mô hình đảng viên phụ trách hộ gia đình của Đồn Biên phòng Ia Chía và gắn kết hộ của Công ty 74 đã mang đến cho nhân dân niềm tin để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn...”.