Trong 2 ngày (30 - 31/5) các học viên tham gia lớp tập huấn sẽ được truyền đạt quy trình sản xuất cây Sâm Ngọc Linh từ gieo ươm, làm đất, trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, bảo quản. Đồng thời, giải đáp các ý kiến của địa phương, người trồng sâm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Haet Crushv) là loại sâm quý thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), còn gọi là Sâm Việt Nam, Sâm Khu 5 (K5), củ Ngải rọm con, hay cây Thuốc giấu... được tìm thấy năm 1970 tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Phần thân rễ của cây Sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác đặc biệt là hoạt chất Majonoside-R2 (MR2).
Ông Nguyễn Minh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngọc Lây là 1 trong 3 xã trọng điểm của huyện Tu Mơ Rông về phát triển các loại cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Ngọc Linh. Hiện toàn xã có 259 hộ đồng bào Xơ Đăng tham gia trồng, với khoảng 47.000 cây Sâm Ngọc Linh. Trong những năm qua, việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Lớp tập huấn này là hoạt động rất thiết thực và hữu ích, nhằm bổ sung những kiến thức đối với người dân, giúp người dân trồng cây Sâm Ngọc Linh hiệu quả hơn và tránh được tình trạng bị bệnh gây hại như những năm trước đây.