Chợ phiên được tổ chức trong 2 ngày (2 - 3/12), tại thị trấn Đăk Glei. Với quy mô khoảng 40 gian hàng, Chợ phiên trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP dược liệu đặc trưng; hệ thống chuồng trại để tập kết, nhốt gia súc 250 con gia súc của 12 xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Glei. Ngoài ra, còn có các gian hàng của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các đơn vị kinh doanh, sản xuất các tỉnh, thành phố lân cận.
Các mặt hàng tham gia bày bán tại Chợ phiên là những sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gồm các loại dược liệu như Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Đương quy, Sơn tra…; các mặt hàng nông sản như Cà phê, Mắc ca, Gạo…; thực phẩm tươi rau củ quả; thực phẩm chế biến và các loại gia súc trâu, bò.
Các gian hàng được thiết kế và trang trí mang nét riêng để giới thiệu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dược liệu đặc trưng địa phương. Sử dụng hình thức thanh toán điện tử tại các gian hàng nhằm thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm tải sử dụng tiền mặt khi mua sắm, thanh toán an toàn và tiết kiệm thời gian giao dịch thanh toán.
Tại Chợ phiên cũng tổ chức Hội thi Ẩm thực Tây Nguyên với sự tham gia của 12 xã, thị trấn. Qua đó, sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng những món ăn đặc trưng của đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei.
Bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Đắk Glei là huyện biên giới miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum. Đồng bào DTTS chiếm hơn 90% dân số, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng và Gié Triêng. Địa hình phức tạp, chia cắt khiến Đắk Glei gặp nhiều khó khăn trong giao lưu hàng hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, Đắk Glei lại được thiên nhiên ưu đãi, khi trên địa bàn có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao, như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm, Đương quy, Sa nhân, Ba Kích, Kim tuyến, Culy, Sơn tra; các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đặc trưng như: Cà phê, mắc ca, gạo, rau, củ, quả các loại, măng le, mật ong… Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc trên địa huyện tương đối phát triển, với tổng số lượng đàn gia súc hơn 28.000 con.
Đây cũng là hoạt động thiết thực trong Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chợ phiên Dược liệu - Gia súc sẽ giúp thay đổi nếp nghĩ của đồng bào DTTS từ hình thức trâu, bò là tài sản, sang trâu, bò là hàng hóa để bán. Thông qua Phiên chợ, các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Kon Tum và các tỉnh khác có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc hữu nhất là các sản phẩm về dược liệu và gia súc trên địa bàn huyện.