Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa dân gian

Ngọc Chí - 08:30, 04/05/2024

Kon Tum vùng đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn đang sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sinh động…

Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, Kon Tum được xem là vùng đất đa dạng về văn hóa
Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, Kon Tum được xem là vùng đất đa dạng về văn hóa

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa

Nghệ nhân Ưu tú A Jar (dân tộc Xơ Đăng), thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, TP. Kon Tum chia sẻ: Cộng đồng các DTTS tại chỗ ở Kon Tum còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Truyện cổ tích, sử thi, dân ca, nghệ thuật điêu khắc, dệt vải, trang phục, làm gốm, chế tác nông cụ và trang sức… thể hiện triết lý nhân sinh, nguồn gốc dân tộc, tình yêu thương con người, tình yêu thiên nhiên, đất nước.

Đặc biệt, cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng nhất, do vậy, bất cứ lễ hội nào cũng không thể vắng bóng cồng chiêng. Theo ông A Hiếu (dân tộc Gia Rai) ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, đối với người Gia Rai, cồng chiêng được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh. Với tín ngưỡng dân gian đa thần, vạn vật hữu linh nên những bộ chiêng thiêng đều có Yàng (trời) trú ngụ (được gọi là chiêng lễ), chỉ được đưa ra sử dụng trong phần lễ của những lễ hội lớn, long trọng. Ở phần hội hoặc sinh hoạt thường ngày, chúng tôi sử dụng các loại chiêng thường (còn gọi là chiêng hội).

Ông A Hiếu, dân tộc Gia Rai ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy giới thiệu bộ chiêng quý được ông lưu giữ
Ông A Hiếu, dân tộc Gia Rai ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy giới thiệu bộ chiêng quý được ông lưu giữ

Lịch sử phát triển nền văn hóa cũng như lịch sử phát triển kinh tế của Kon Tum luôn gắn với lịch sử phát triển các nghề truyền thống của DTTS, như: Nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, rèn, đan lát, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống... Bởi những sản phẩm thủ công không chỉ là vật dụng sinh hoạt đời thường, mà còn là những sản phẩm nghệ thuật mang tính biểu trưng cho văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ông Xiêng Lăng Na (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Đối với sản phẩm đan lát của dân tộc Gié Triêng thì có đặc trưng riêng, nhất là hoa văn. Ngày xưa, các cụ làm hoa văn này để trang trí cho sản phẩm đẹp hơn, có giá trị hơn so với cách đan thông thường.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Xuất phát từ vị trí, vai trò của văn hóa trước những đòi hỏi của thực tế, yêu cầu của xu hướng phát triển. Đặc biệt, nghị quyết qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum cũng luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, theo đó nhiều năm qua, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả khả quan.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Kon Tum cho biết: Qua rà soát của Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 479 nhà rông; hơn 2.500 bộ cồng chiêng được lưu giữ và hơn 500 làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, có đội cồng chiêng và múa xoang; sưu tầm, phục dựng được 33 lễ hội truyền thống của các DTTS; số người dân, nghệ nhân biết nghề truyền thống của dân tộc mình đã tăng lên hơn 12.000 người.

Những nghệ nhân dân tộc Gié Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi luôn gìn giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ
Những nghệ nhân dân tộc Gié Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi luôn gìn giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Tỉnh cũng xác định, trong công tác bảo tồn văn hóa, vai trò của các nghệ nhân hết sức quan trọng. Bởi các nghệ nhân là người am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa của dân tộc, là người thổi hồn vào lớp trẻ về bản sắc tốt đẹp của dân tộc thông qua việc thực hành, truyền dạy những kỹ năng, kỹ thuật thực hành về di sản văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, trong quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, tỉnh luôn quan tâm, động viên để các nghệ nhân thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Không chỉ làm tốt công tác bảo tồn văn hóa, tỉnh Kon Tum còn quan tâm, hỗ trợ và động viên để đồng bào các DTTS mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, nhiều thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã phát triển du lịch như: Làng Kon Kơ Tu, xã Ðăk Rơ Wa, TP. Kon Tum; làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; làng Vi Rơ Ngheo, xã Ðăk Tăng, huyện Kon Plông; làng Ðăk Răng, xã Ðăk Dục, huyện Ngọc Hồi…

Ông A Đưn, Trưởng làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cho biết: Từ khi các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động, bà con trong làng đã nhận thức đầy đủ hơn cái lợi về kinh tế khi làm du lịch. Đến nay, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư làm các homestay, chế biến ẩm thực và các sản phẩm địa phương để phục vụ khách du lịch.

Nghệ nhân ưu tú A Biu và các cháu thiếu nhi trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách
Nghệ nhân ưu tú A Biu và các cháu thiếu nhi trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách

“Tôi làm du lịch để có thêm một ít thu nhập cho gia đình thôi. Vui nhất là khi du khách đến với điểm du lịch, tôi sẽ để du khách tự trải nghiệm cồng chiêng, rồi người ta sẽ lan tỏa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Kon Tum đến muôn nơi”, Nghệ nhân Ưu tú A Biu (dân tộc Ba Na), làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum chia sẻ.

Có thể thấy, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Do đó, việc bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa DTTS nói riêng đang là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay. Tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cho thế hệ trẻ hiểu được giá trị, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.