Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Ninh: Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Mộc Nhi - 17:05, 22/11/2023

Với lợi thế về phong cảnh miền núi nên thơ, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc, thời gian qua, Quảng Ninh đã chú trọng dành nhiều nguồn lực từ các chương trình, đề án để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch mang lại nhiều hiệu quả, dấu ấn riêng.

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Quảng Ninh
Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Quảng Ninh

Tiềm năng và lợi thế

Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 54 di tích cấp quốc gia, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số còn lại là di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh. Những con số trên cho thấy sự dày đặc, giàu có, quý giá của hệ thống di tích, di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng miền khác của tỉnh.

Tiềm năng và lợi thế của Bình Liêu
Tiềm năng và lợi thế của Bình Liêu

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Với quyết tâm khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch, cao hơn 3,4 triệu lượt so với năm 2022, doanh thu đạt 32.400 tỷ đồng. Trong tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 1 triệu lượt du khách, qua đó nâng tổng số khách du lịch đến địa phương từ đầu năm lên gần 13 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 26.460 tỷ đồng.

Phong cảnh miền núi nên thơ, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc là lợi thế để Quảng Ninh phát triển du lịch hiệu quả
Phong cảnh miền núi nên thơ, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc là lợi thế để Quảng Ninh phát triển du lịch hiệu quả

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết: Từ đầu năm nay, ngành du lịch tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa; nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của các địa phương, các doanh nghiệp. Đồng thời chủ động tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh với số đề án trọng tâm như: Đề án thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch; phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng cái; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn; Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô…

Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc. Đồng thời, khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh nhằm từng bước vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa phát triển thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh.

Tái hiện hành trình vượt biển của tổ tiên người Dao huyện Ba Chẽ trong lễ hội Bàn Vương năm 2022
Tái hiện hành trình vượt biển của tổ tiên người Dao huyện Ba Chẽ trong lễ hội Bàn Vương năm 2022

Bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch địa phương

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang đến những cơ hội mới để các địa phương vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao ở bản Thanh Phán, xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu còn được gìn giữ và duy trì đến ngày nay là Lễ hội Kiêng gió được ấn định vào ngày mồng 4/4 âm lịch hằng năm. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán Bình Liêu được tổ chức nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Bình Liêu. 

Thông qua ngày hội Kiêng gió huyện đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào Dao Thanh Phán nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung đến du khách bốn phương. Từ đó, từng bước bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, thúc đẩy xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ du khách khi đến với Bình Liêu.

Người dân tham gia ngày hội kiêng gió ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Người dân tham gia ngày hội kiêng gió ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu cho biết, hiện nay huyện đang lập hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xét công nhận ngày hội Kiêng gió là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu được công nhận, đây sẽ là sức bật để xã Đồng Văn nói riêng và huyện Bình Liêu nói chung xây dựng ngày hội Kiêng gió trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang thương hiệu và bản sắc riêng, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Từ việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, lượng khách và doanh thu du lịch của huyện tăng đều từng năm. Nếu như năm 2015, Bình Liêu chỉ đón trên 33.000 lượt khách thì đến năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 85.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ liên quan du lịch đạt trên 26 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến với Bình Liêu khoảng 42.000 lượt.

Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Thời gian qua, để níu chân du khách ở lại lâu hơn huyện đã quan tâm nâng cao dịch vụ, sản phẩm du lịch bằng cách nỗ lực khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với sự tham gia của người dân. Đồng thời, sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn, nguyên liệu, dược liệu theo mùa, theo vùng để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Theo đó, năm nay lượng du khách đến với Bình Liêu tăng gấp 170 lần so với năm 2022.

Bình Liêu sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn, nguyên liệu, dược liệu theo mùa, theo vùng để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc
Bình Liêu sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn, nguyên liệu, dược liệu theo mùa, theo vùng để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc

Để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn). Việc hình thành các làng văn hóa nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Như vậy, có thể thấy, thông qua các mô hình gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Ninh đã có thêm việc làm và thu nhập từ chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, lễ hội truyền thống, nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị đó trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.