Cụ thể, UBND huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch vùng trồng tập trung cho các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã và có chính sách hỗ trợ giống, khuyến khích nhân dân phát triển trồng cây ăn quả phân tán trong các hộ gia đình. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện Kon Plông đạt trên 1.000ha; trong đó 138ha bơ, 147ha mít, 181ha cây có múi (cam, bưởi) , 110ha hồng giòn, 50ha nhãn, 50ha vải...
Đối với các xã có khí hậu nóng như Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem, huyện Kon Plông tập trung chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền cơ sở tích cực vận động, hướng dẫn người dân phát triển các loại cây ăn quả như mít, bơ, nhãn, vải, cam, sầu riêng… Các xã có khí hậu lạnh như Măng Bút, Đăk Tăng, thị trấn Măng Đen, xã Hiếu, Pờ Ê, thì chú trọng phát triển các loại cây như hồng giòn, cam, bơ, bưởi, mít, vải, cherry, việt quất...; phấn đấu trong năm 2022, trồng mới 350 ha.
Ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã ban hành một chương trình riêng về phát triển cây ăn quả, giao UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2025. Theo đó, từ năm 2022-2025, phấn đấu thực hiện trồng mới 676ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Kon Plông đạt 1.300ha, gồm các loại cây như bơ sáp, mít Thái, nhãn, vải, hồng giòn, mãng cầu, ổi...; trong đó vùng trồng cây ăn quả tập trung 800ha; tổng sản lượng cây quả đạt 19.500 tấn/năm.
Ngoài những cây ăn quả chủ lực nêu trên, huyện Kon Plông chỉ đạo các xã căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng sinh thái, bố trí trồng mới một số loại cây ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cherry, việt quất, lê, táo đỏ, vú sữa Hoàng Kim, sầu riêng. Hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn; tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững nhằm thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đạt 210 tỷ đồng; trong đó bình quân giá trị thu nhập/ha/năm đối với vùng trồng tập trung đạt 200 triệu đồng; có 70% tổng diện tích sản xuất cây ăn quả đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có 50% diện tích được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, Viet Gap, hữu cơ).