Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ninh Thuận: Huyện Thuận Nam phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

PV - 10:55, 21/07/2021

Thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tập trung vận động nông dân đầu tư, chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung, mở ra hướng làm ăn cho nông dân.

Huyện Thuận Nam có tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp hơn 15.000 ha, nhưng luôn gặp khó khăn do nắng hạn, không chủ động được nước tưới, nên việc lựa chọn cây trồng phù hợp với từng địa phương là thách thức không nhỏ. Từ thực tế trên, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung vận động nông dân lựa chọn các cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khô hạn gắn với thị trường tiêu thụ đưa vào sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, đến nay nhiều diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước được nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: Mít, bưởi, mãng cầu... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng mít sạch của nông dân ở Phước Hà
Mô hình trồng mít sạch của nông dân ở Phước Hà

Nhị Hà là xã đi đầu trong thực hiện chuyển đổi đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với diện tích trên 126 ha. Qua thực tế sản xuất đã khẳng định được ưu điểm vượt trội của mô hình mới, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Ông Lê Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 26/7/2016 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu khô hạn trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, cấp ủy đảng, chính quyền xã tích cực vận động nông dân lựa chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thế mạnh của địa phương để đầu tư vào sản xuất và nhân rộng. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành vùng cây ăn quả quy mô tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch vùng cây ăn quả theo hướng chuyên canh; vận động nông dân liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư các mô hình mới, nhằm thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập; triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư, mở rộng diện tích cây ăn quả.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu, anh Nguyễn Văn Quý, thôn Nhị Hà 1, xã Nhị Hà cho biết: "Năm 2018, được hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi đầu tư trồng 5 sào mãng cầu. Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác của cán bộ nông nghiệp xã, nên cây trồng phát triển tốt, trung bình mỗi trái có trọng lượng 0,5 kg, thương lái thu mua với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng.

Cũng theo anh Quý, các loại cây ăn quả như mít, bưởi da xanh, mãng cầu… phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nên nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác.

Anh Nguyễn Văn Quý, thôn Nhị Hà 1, đầu tư phát triển cây ăn quả cho thu nhập cao
Anh Nguyễn Văn Quý, thôn Nhị Hà 1, đầu tư phát triển cây ăn quả cho thu nhập cao

Ông Lê Khưu Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định, diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng. Nhiều mô hình mới được các xã triển khai hiệu quả, như: Mô hình trồng bưởi ở xã Nhị Hà và Phước Ninh, mô hình mít sạch ở Phước Hà; mô hình trồng mãng cầu ở Phước Ninh, Phước Nam và Nhị Hà... Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 350 ha cây ăn quả, gồm: Bưởi da xanh, mít, mãng cầu, thanh long...

Để phát triển cây ăn quả, huyện tiếp tục rà soát, mở rộng vùng cây ăn quả thêm 200 ha; phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.