Cán bộ Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nậm Nhùn phát biểu khai giảng Lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cống theo hình thức truyền khẩuNgười Cống còn có tên gọi khác là Xá, Cống Bó Khăm, Xắm, Màng Là…; thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người trên cả nước. Tại Lai Châu, đồng bào dân tộc Cống sinh sống chủ yếu ở các xã: Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn), Nậm Khao, Kan Hồ (huyện Mường Tè).
Tại xã Nậm Chà, người Cống sống tập trung ở bản Táng Ngá với khoảng 110 hộ dân, 536 nhân khẩu. Từ bao đời nay, bà con nơi đây vẫn luôn gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống trong văn hoá của dân tộc.
Để tạo điều kiện cho đồng bào Cống giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống, những năm qua, huyện Nậm Nhùn đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, dự án chính sách dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cống.
Lễ khai giảng lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cống theo hình thức truyền khẩu diễn ra ngày 12/4/2025 tại bản Táng Ngà, xã Nậm Chà, huyện Nậm NhùnTheo đó, ngày 12/4/2025, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nậm Nhùn phối hợp với UBND xã Nậm Chà tổ chức Lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cống theo hình thức truyền khẩu. Đây là một trong những nội dung thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9: Phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn I: 2021-2025.
Lớp học, thu hút hơn 30 học viên là người dân tộc Cống sinh sống tại bản Táng Ngá tham gia. Điều đặc biệt là lớp học không có bục giảng, không bảng đen, mà là những buổi ngồi quây quần bên nhau, lắng nghe các già làng, nghệ nhân dân gian kể chuyện, hát dân ca, truyền dạy ngôn ngữ, phong tục và tri thức dân tộc bằng chính lời nói mộc mạc, đậm đà bản sắc truyền đời của người Cống.
Học viên chăm chú nghiên cứu, ghi chép thông tin đầy đủ tại Lớp truyền dạy tiếng CốngTrong buổi Lễ khai giảng, đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nậm Nhùn bộc bạch: Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Khi tiếng nói mai một, văn hóa dân tộc cũng dần phai nhạt. Việc mở lớp học tiếng Cống theo hình thức truyền khẩu, không chỉ giúp bà con giao tiếp, hiểu nhau hơn trong cộng đồng mà còn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần gìn giữ di sản cha ông để lại.
Việc các nghệ nhân, chuyên gia văn hóa tham gia Lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cống, theo hình thức truyền khẩu và tổ chức thực hành, giúp bà con hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc lưu giữ và kế thừa những giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc dân tộc, qua đó chung tay góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc bền vững.
Học viên cùng trao đổi thực hành Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Cống giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
Ban Tổ chức kỳ vọng, các học viên dân tộc Cống ở Nậm Chà nắm bắt thêm được những kiến thức, các giá trị văn hóa và kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời truyền lại vốn di sản quý báu này của cha ông cho các thế hệ mai sau.
Các học viên chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức lớp họcCó thể thấy, việc mở lớp học không chỉ là bước đi thiết thực trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ: dù ở nơi đâu, mỗi tiếng nói dân tộc đều đáng được trân trọng, gìn giữ và lan tỏa.