Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lạng Sơn: Thúc đẩy tiêu thụ Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP

Cát Tường - 21:22, 22/07/2021

Lạng Sơn là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai với sự đa dạng các sản phẩm đặc sản. Cùng với các sản phẩm OCOP của địa phương, Na Chi Lăng đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân được mùa

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt là cây ăn quả đặc sản như na, hồng, quýt và một số cây có múi khác. Những vườn na được trồng chủ yếu trên núi cao. Chính vì vậy, sản phẩm Na Chi Lăng luôn được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt được “chắt lọc” từ những tinh túy của núi rừng.

Ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.

Vùng sản xuất hồng tại các huyện Văn Lãng, Cao Lộc với diện tích 1.700ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm. Vùng sản xuất rau tại TP. Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia với các loại rau ngồng, bắp cải, bò khai, ngồng hoa vàng đạt khoảng 3.000 ha, tổng giá trị thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.

Vùng cây thạch đen tại huyện Tràng Định, Bình Gia có diện tích trên 3.000 ha, sản lượng 10.000 tấn, giá trị đạt 250 tỷ đồng/năm. Để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng cho trên 220 ha nông sản các loại.

Bên cạnh đó nhằm đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng cho 12,18 ha chuối tại Văn Lãng, 40 ha na tại Chi Lăng; 60 ha thạch đen tại huyện Tràng Định, 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục triển khai hỗ trợ cấp mã số cho 115 vùng trồng thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.

Đối với chương trình OCOP, tỉnh Lạng Sơn xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh để hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xây dựng hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP gồm 12 điểm trên 11 huyện, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Tránh tình trạng được mùa mất giá

Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 khiến đầu ra nông sản nói chung và Na Chi Lăng nói riêng gặp khó. Để đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn đã có những giải pháp, tìm đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Na Chi Lăng luôn được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt.
Na Chi Lăng luôn được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản nhận định: Hiện việc thu hái và tiêu thụ Na Chi Lăng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thu hoạch chủ yếu tập trung, khó bảo quản tươi, chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa đưa vào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng nông sản gặp khó khăn. Tuy nhiên, với việc đa dạng và chủ động các hình thức xúc tiến thương mại, thay đổi phương thức bán hàng đi vào chiều sâu, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh trong tình hình mới, Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn sẽ có đầu ra ổn định.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những giải pháp tối ưu cho đầu ra của Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP đó là đẩy mạnh tiêu thụ qua hình thức trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, tích cực tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết với các hệ thống tiêu thụ sản phẩm và sàn thương mại điện tử.

Theo đại diện sàn thương mại điện tử Sendo, ông Bùi Quang Tú cho biết: Việc bán hàng online khác với bán hàng truyền thống, do đó, phía doanh nghiệp cũng sẽ tư vấn hướng dẫn cho bà con nông dân để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Bán hàng online chủ yếu cho khách văn phòng, công sở, các đơn hàng mua thường là 5kg, 7kg, 10kg, do đó, doanh nghiệp cũng sẽ hướng dẫn bà con trong khâu đóng gói cũng như hỗ trợ vận chuyển để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngon nhất.

Như vậy, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp phân phối, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng cần chú trọng đến phương thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng. Với đồng bộ giải pháp, Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP ở địa phương sẽ tiêu thụ được nhiều hơn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng.

Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tìm kiếm, phát triển các thị trường mới; cung cấp thông tin dự báo thị trường dài hạn để điều chỉnh cơ cấu cây trồng, đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm của địa phương; đồng thời tăng cường kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.